Bộ Tài chính: Việt Nam là thực tiễn tốt về quản lý nợ công

Hội nghị toàn thể Mạng lưới Quản lý chi tiêu công tại châu Á (PEMNA) năm 2019 chính thức khai mạc tại Quảng Ninh với chủ đề “Cơ cấu lại ngân sách nhà nước và quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững” là sự kiện diễn ra trong các ngày từ 22-24/5/2019, với các đại biểu đến từ 14 quốc gia thành viên PEMNA và các tổ chức quốc tế.

Toàn cảnh Hội nghị toàn thể Mạng lưới Quản lý chi tiêu công tại châu Á (PEMNA) năm 2019 . Ảnh:VGP/Huy Thắng.

Có 14 quốc gia thành viên PEMNA (Brunei, Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Lào, Malaysia, Mông Cổ, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, Timor Leste, Việt Nam) và các tổ chức quốc tế như World Bank, IMF, OECD, USOTA, UNESCAP.

Đại diện phía Việt Nam, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam đánh giá, việc tái cơ cấu ngân sách và quản lý hiệu quả nợ công không chỉ là vấn đề thời sự của các thành viên PEMNA, của Việt Nam, mà còn là tầm nhìn chiến lược cho nền tài chính quốc gia.

Để bù đắp bội chi và đề có nguồn lực giải quyết khủng hoảng, giải pháp là tăng vay nợ và vì thế nợ công toàn thế giới đã tăng. Việt Nam không nằm ngoài xu hướng này.

Trong cơ cấu chi ngân sách Nhà nước, đã kiên định giảm bội chi từ trên 5% (quyết toán 2017) đã đạt 2,74% GDP, phấn đấu đến 2020 khoảng 3%.

Với kết quả đó, đã giảm nợ công từ 63,8% đến nay còn 58,4% GDP nhưng xu hướng đang đi xuống vững chắc, trong tổng nợ công đã cơ cấu lại, trên 60% đối với các khoản nợ trái phiếu chính phủ, kỳ hạn nợ dài hơn, bình quân trên 12 năm, lãi suất chỉ còn 4,2-4,5%/năm, đây là tỉ lệ hợp lý cơ cấu lại nợ công.

Được đánh giá là một thực tiễn tốt, tại Hội nghị, đại diện phía Việt Nam  trình bày các tham luận liên quan đến việc cơ cấu lại ngân sách nhà nước và quản lý nợ công; định hướng hoàn thiện các chính sách ưu đãi thuế nhằm thu hút đầu tư, đảm bảo mục tiêu bền vững tài khóa; kinh nghiệm của Việt Nam trong quản lý nợ công thận trọng và bền vững; kinh nghiệm của Việt Nam về phát hành trái phiếu Chính phủ và quản lý danh mục trái phiếu; báo cáo tài chính nhà nước…

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng thời gian tới Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức.  Đó là, phải hoàn thiện lại hệ thống chính sách thuế; giải quyết các vấn đề liên quan đến chính sách thuế với quan điểm thúc đẩy khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, để vừa huy động hợp lý vào ngân sách, nhưng vừa đảm bảo  mở rộng cơ sở thuế, trên cơ sở thực hiện tốt các nguyên tắc về chống chuyển giá, phòng chống gian lận thuế…

Ngoài ra, Việt Nam cần tập trung nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách minh bạch; vai trò của kế hoạch tài chính trung hạn, vai trò quản lý ngân sách theo đầu ra, đó là hiệu quả thu được từ quản lý đầu tư công; xây dựng và triển khai để án thực hiện chuẩn mực quốc tế trong khu vực công để nâng cao tính minh bạch, độ tin cậy của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Thách thức tiếp theo, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, đó là cần nâng cao vai trò của Kho bạc Nhà nước Việt Nam trong quản lý thu chi ngân sách Nhà nước và nợ công; thách thức trong thanh toán không dùng tiền mặt.

Tại hội nghị, các chuyên gia cũng đã chia sẻ kinh nghiệm về quản lý tài chính công giữa các nước thành viên

Ông Kyoungho Han, Chủ tịch Ban Điều hành PEMNA, Vụ trưởng Vụ Quản lý hiệu quả hoạt động tài khóa của Bộ Tài chính Hàn Quốc nhấn mạnh, Đông Á-Thái Bình Dương là khu vực kinh tế năng động, thành viên PEMNA là những nền kinh tế năng động, nhưng có trình độ phát triển khác nhau.

Vì vậy, Hội nghị là cơ hội, là điều kiện để trao đổi về những thách thức đã, đang và sẽ gặp phải, là nơi học hỏi các kinh nghiệm. Đặc biệt vấn đề hiện nay là cần phải có các hoạt động cải cách tài khóa, sửa đổi luật lệ liên quan đến tài khóa.

Việt Nam được cho là một điển hình về phục hồi sau khủng hoảng và tiến hành tái cơ cấu ngân sách và quản lý hiệu quả nợ công, đã sớm có kết quả nhất định.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam phát biểu, Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng kinh tế bình quân 6,5%/năm, kinh tế vĩ mô ổn định, nợ công giảm, bội chi giảm…

Ông Ousman Dione cũng chia sẻ các chủ đề của PEMNA sẽ giúp cho các bộ quản lý tài chính của các quốc gia có thêm nhiều kinh nghiệm để chèo lái nền kinh tế trong môi trường mới như tăng cường thu để đảm bảo bền vững tài khóa. Một nghiên cứu mới đây của WB cho thấy huy động thu của các nước Đông Á đang thấp so với khu vực khác, nguồn thu dựa chủ yếu vào thuế gián thu  như thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế tiêu thụ đặc biệt; trong khi đó, các loại thuế thực thu như thuế thu nhập cá nhân lại đang chiếm tỉ trọng nhỏ trong nền kinh tế.

Theo ông Ousman Dione, đang có những thách thức mới trong huy động nguồn thu như hệ thống thuế cần phải thích ứng để giải quyết rủi ro mới nổi về chuyển giá và chuyển lợi nhuận giữa các nước cũng như là sự bùng nổ của dịch vụ số hóa xuyên biên giới thì mới duy trì được môi trường thuế hiệu quả thân thiện đối với tăng trưởng.

“Khi đi từ Hà Nội đến TP. Hạ Long này, các bạn đã thấy được sự phục hồi và chuyển mình của Việt Nam”, ông Ousmane Dione nói.

Được biết, PEMNA là mạng lưới học hỏi giữa các đồng nghiệp gồm cán bộ và chuyên gia về quản lý tài chính công trong khu vực. Được thành lập từ năm 2012 theo sáng kiến của Ngân hàng Thế giới, Bộ Tài chính và Chiến lược Hàn Quốc, với mục tiêu hỗ trợ các Chính phủ trong khu vực giải quyết các vấn đề liên quan đến tài chính công và nâng cao hiệu quả chi tiêu công, thông qua việc tạo ra diễn đàn trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về quản lý tài chính công giữa các quốc gia trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.

Theo Anh Minh/baochinhphu.vn