Theo đó, Hội nghị trực tuyến toàn quốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 có thể được tổ chức vào cuối tháng 4/2020. Bộ Tài chính cùng Bộ Kế hoạch đầu tư được Thủ tướng giao thực hiện các Báo cáo chủ lực cho Hội nghị, trong đó, Bộ Tài chính chuẩn bị báo cáo kết quả giải ngân vốn đầu tư công 3 tháng đầu năm 2020 (bao gồm kế hoạch vốn năm 2019 kéo dài sang năm 2020), nêu rõ tồn tại hạn chế, nguyên nhân và kiến nghị giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng còn lại năm 2020.
Quá bức xúc vì tình trạng tiền không… chân nên không chịu giải ngân, vào tháng 9 năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã triệu tập Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019. Đây là Hội nghị toàn quốc về giải ngân đầu tư công lần đầu tiên được tổ chức vì tính cấp thiết ở mức cao chưa từng có đối với lĩnh vực này khi năm 2019, giải ngân đặc biệt thấp. Lúc đó, một không khí trầm lắng bao trùm cả Hội nghị khi có tới 31 bộ, cơ quan Trung ương và 19 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 50%, trong đó, 17 bộ, cơ quan Trung ương và 1 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 30%.
Không thể để tiếp tục cảnh đồng tiền không chịu chạy, Thủ tướng nêu rõ yêu cầu cắt vốn, chuyển vốn từ các công trình, dự án của bộ, ngành, địa phương không giải ngân được để các bộ, ngành, địa phương khác sử dụng có hiệu quả, kịp thời hơn.
Theo người đứng đầu Chính phủ, chậm giải ngân đầu tư công gây ra 4 hậu quả lớn và rất nhiều hệ lụy. Thứ nhất, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế khi còn một khối lượng lớn vốn nằm yên ở các cấp, các ngành, các địa phương, trong khi tốc độ chạy của dòng vốn là một trong những yếu tố quan trọng đối với tốc độ tăng trưởng GDP.
Hậu quả thứ hai là vốn đầu tư công thường là một trong những nguồn lực của các dự án lớn, những hạ tầng quan trọng, cho nên khi bị chậm cũng sẽ kéo lùi các dòng vốn đối ứng khác của tư nhân, của nước ngoài, ảnh hưởng huy động vốn xã hội, đồng thời ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, giảm niềm tin của các nhà đầu tư và nhà tài trợ.
Hậu quả thứ ba là gây lãng phí lớn khi tiền nằm ở đó còn Chính phủ phải trả thêm chi phí vốn. Hậu quả thứ tư là doanh nghiệp, chủ đầu tư phải gánh chịu chi phí bị đội lên, việc làm giảm đi, nợ nần tăng thêm và uy tín làm ăn giảm sút.
Ngay sau Hội nghị này, Thủ tướng ký ban hành Nghị quyết 94 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019. Giải ngân đầu tư công 3 tháng cuối năm 2019 theo đó đã tăng tốc mạnh. Nhưng khi bước vào năm 2020, kể cả không gặp phải đại dịch, thì giải ngân đầu tư công vẫn cần tiếp tục những chỉ đạo quyết liệt, bởi nếu không sẽ lại rơi vào tình trạng mà người đứng đầu Chính phủ nhiều lần gay gắt chỉ ra là “đầu năm thong thả”.
Được Thủ tướng giao trách nhiệm chính trong việc giám sát tốc độ giải ngân đầu tư công, Bộ Tài chính tháng nào cũng cập nhật báo cáo lên Thủ tướng và công bố công khai các con số giải ngân của từng Bộ, ngành, địa phương.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng rất sốt ruột trước con số thụt lùi về tỷ lệ giải ngân, năm 2017 là 81,8% đến năm 2018 chỉ còn là 75,82% và ước năm 2019 đạt 75% dự toán Quốc hội giao. Bởi vậy, trong thời gian qua, để thúc đẩy giải ngân, Bộ Tài chính tổ chức các hội nghị, tọa đàm với bộ, ngành, địa phương, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án… nhằm tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong công tác giải ngân thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính và đề xuất Thủ tướng Chính phủ các biện pháp về giao vốn, phân bổ chi tiết kế hoạch vốn, giải pháp đẩy nhanh tiến độ thẩm định vay, tiến độ rút vốn…
Về phần mình, Bộ Tài chính liên tục gửi văn bản tới các Bộ, ngành, địa phương, vừa nhắc nhở, vừa hướng dẫn triển khai việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư cho các dự án; nhập hết kế hoạch vốn đầu tư lên hệ thống Tabmis để làm cơ sở kiểm soát, thanh toán vốn ngay từ đầu năm; chủ động rà soát sửa đổi cơ chế kiểm soát thanh toán vốn đầu tư để phù hợp với yêu cầu cải cách thủ tục hành chính và quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, đơn giản hóa thủ tục kiểm soát chi với nguyên tắc thanh toán trước, kiểm soát sau; rút ngắn thời gian kiểm soát thanh toán từ 7 ngày xuống còn 3 ngày làm việc…
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Đầu tư công đóng góp lớn vào tăng trưởng, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, nhất là các công trình hạ tầng quan trọng. Đầu tư công chiếm tới 10,7% tổng giá trị GDP, khoảng 32% tổng mức đầu tư toàn xã hội năm 2019. Tình trạng chậm giải ngân đầu tư công từ gần chục năm qua đã tạo ra nút thắt cổ chai đối với nền kinh tế. Nhiều địa phương, nhiều ngành cùng trong một mặt bằng về thủ tục, chính sách nhưng giải ngân hết sức tốt, đạt tỷ lệ 70-80%, có địa phương đạt cao hơn nữa, nhưng có nhiều ngành, địa phương thì giải ngân chỉ 10-15%. Phải thấy trách nhiệm trước đất nước, trước xã hội chứ không thể đổ cho nguyên nhân khách quan.”
Theo Châu Minh/tapchitaichinh.vn
Dẫn theo nguồn:http://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/giai-ngan-van-nong-giua-mua-dai-dich-320261.html