Đã qua đỉnh cao hay mới khởi đầu?
Sau đúng 1 thập niên có mặt ở Việt Nam, thị trường tài chính tiêu dùng đã để lại nhiều dấu ấn mà ít người có thể tưởng tượng ở thời điểm lĩnh vực này bắt đầu manh nha: Tăng trưởng trung bình 20%/năm, phục vụ 30 triệu khách hàng, dư nợ đạt quy mô 646.000 tỷ đồng (28 tỷ USD) và đang hướng tới mục tiêu 1 triệu tỷ đồng vào năm 2019.
Sự tăng trưởng ấn tượng của thị trường tài chính tiêu dùng là không thể phủ nhận, bởi ưu điểm và lợi ích lĩnh vực này mang đến hoàn toàn rõ ràng. Tuy nhiên, chính sự phát triển quá mạnh đã khiến nhiều người đặt câu hỏi nghi vấn tài chính tiêu dùng đã qua thời đỉnh cao, phải dừng lại đi nước kiệu, hay thực ra tất cả mới chỉ là khởi đầu để thị trường phi nước đại trong những năm tới?
TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng tiềm năng phát triển của lĩnh vực cho vay tiêu dùng ở Việt Nam vẫn còn rất lớn. Cho vay tiêu dùng được nhận định là mảnh đất tiềm năng, đóng góp không ít trong lợi nhuận của các ngân hàng và tổ chức tài chính trong thời gian qua với mức tăng trưởng cao. Đặc biệt hơn, một số ngân hàng cũng xác định đây là lĩnh vực trọng tâm hướng tới trong hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, so với tổng tín dụng của các nước trên thế giới, TS. Thành cho rằng tỷ lệ này vẫn tương đối thấp, điều này vừa là tiềm năng vừa là dữ liệu. Do đó, các đối tác ngoại đang tích cực tham gia sân chơi bằng cách mua lại các công ty tài chính của Việt Nam. “Với sự tham gia cả nội lẫn ngoại, sân chơi này hứa hẹn sẽ rất sôi động trong thời gian tới” – TS.Võ Trí Thành khẳng định.
Như vậy, sau 10 năm bước chân vào thị trường Việt Nam, “cuộc đua” của các công ty tài chính trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng thực ra mới chỉ đang bắt đầu.
Tiềm năng cho vay tiêu dùng ở Việt Nam còn rất lớn.
Những cơ hội vàng
Thực tế cũng chứng minh, thị trường tài chính tiêu dùng đang trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết, khi hội tụ đầy đủ mọi yếu tố cần thiết để có thể tăng trưởng ngoạn mục trong thời gian tới.
Bởi lẽ, các yếu tố quan trọng nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường có thể kể đến: kinh tế vĩ mô tăng trưởng tốt (6,81% năm 2017), thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng (đạt 2.385USD, tăng 170USD so với năm 2016), kéo theo sức mua cũng ngày càng cao. Cùng với đó là sự phát triển vượt trội của công nghệ, sự hoàn thiện của hành lang pháp lý, sự hiểu biết của người dân về tài chính cá nhân và tài chính tiêu dùng ngày càng cao.
Trong khi đó, lượng khách hàng của loại hình tài chính này còn rất nhỏ so với quy mô dân số gần 100 triệu dân, thậm chí toàn bộ thị trường nông thôn gần như đang bỏ ngỏ. Đặc biệt là sự quan tâm của giới đầu tư cả trong và ngoài nước đang thúc đẩy thị trường này tăng trưởng từng ngày.
Hiện nay, chỉ tính riêng FE Credit đã thu hút đầu tư được hơn 200 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài từ Credit Suisse, Deutsche Bank và các đối tác ngoại trong vòng 2 năm qua. Công ty tài chính Techcom Finance được chuyển nhượng cho Lotte Card (Tập đoàn Lotte – Hàn Quốc). Các công ty tài chính có thị phần nhỏ hơn như MaritimeBank, MBBank – Mcredit… cũng rục rịch tái cấu trúc với phương án có sự tham gia sâu hơn của các đối tác ngoại. Trong khi nhiều ngân hàng khác đang lên kế hoạch thành lập mới công ty tài chính từ nay đến năm 2020.
Không chỉ giúp thị trường sôi động hơn, đa dạng về loại hình dịch vụ hơn, việc bắt tay với các tổ chức nước ngoài sẽ buộc các công ty tài chính phải hoạt động minh bạch hơn, hiệu quả hơn, có chiến lược và tầm nhìn dài hạn hơn. Chính yêu cầu này cùng với các yếu tố thuận lợi ở trên đang đặt thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam trước những cơ hội bằng vàng để bứt phá mạnh mẽ và phi nước đại trong thời gian tới.