Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình) với 452/452 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.
Thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập
Mục tiêu của Chương trình nhằm thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước; đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Thời gian thực hiện Chương trình là 10 năm, chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025; giai đoạn II từ năm 2026 đến năm 2030.
Nghị quyết nêu rõ, việc thực hiện Chương trình phải đảm bảo nguyên tắc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn nhất; bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân; phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện phương châm: “Dân cần, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi”.
Nghị quyết phân cấp, trao quyền cho địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện Chương trình phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc, các vùng miền gắn với củng cố quốc phòng, an ninh;
Đa dạng hóa nguồn lực, trong đó NSNN là quan trọng và có ý nghĩa quyết định, ưu tiên phân bổ vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) trong thực hiện Chương trình; huy động, khuyến khích sự tham gia, đóng góp của DN, tổ chức, cá nhân. Căn cứ kết quả thực hiện của Chương trình giai đoạn 2021-2025, Chính phủ sẽ trình Quốc hội quyết định nguồn lực thực hiện Chương trình giai đoạn 2026-2030.
Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành; phòng, chống các biểu hiện tiêu cực trong quá trình thực hiện Chương trình.
Quy định cơ chế đặc thù trong tổ chức quản lý