Những thách thức với kinh tế Việt Nam năm 2023

Tóm tắt

Sau đại dịch, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại trong bối cảnh lạm phát và lãi suất cao. Kinh tế Việt Nam không nằm ngoài ảnh hưởng của xu thế này. Bài viết  làm rõ bức tranh toàn cảnh về kinh tế Việt Nam cuối năm 2023, nhận diện những thách thức và đề xuất một số hàm ý chính sách thời gian tới.

Từ khóa: kinh tế, tăng trưởng, lạm phát

  1. Tình hình kinh tế thế giới

Sau đại dịch Covid-19, trên con đường hồi phục, hầu hết các nền kinh tế thế giới lại gặp phải một thách thức lớn khác đó là sự bùng nổ của giá cả hàng hóa và năng lượng. Sự nới lỏng tiền tệ vô tiền khoáng hậu trong giai đoạn 2020-2021 cộng với tác động của cuộc chiến tranh Nga – Ucraina đã kích hoạt lạm phát trên quy mô  toàn cầu kể từ nửa cuối của năm 2022. Để đối phó với tình trạng này, hầu hết các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã bắt đầu tiến trình thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, kéo dài suốt hơn một năm qua. Đồng thời, chính phủ các nước cũng dần phải thu lại các gói hỗ trợ tài khóa hào phóng khi thâm hụt ngân sách tăng cao và nợ công đụng trần. Tăng trưởng GDP toàn cầu được dự báo sẽ giảm từ mức 3,5% trong năm 2022 xuống còn 3,0% (IMF, Tháng 7/2023) hoặc chỉ 2,7-2,9% (OECD, Tháng 6/2023) trong các năm 2023 và 2024. Trong đó, tốc độ tăng trưởng của nhiều nền kinh tế suy giảm mạnh trong năm 2023 so với năm 2022 như khu vực đồng euro (từ 3,5% xuống còn 0,9%), Ấn Độ (từ 7,2% xuống còn 6,1%), hay Brazil (từ 2,9% xuống còn 2,1%). Nhìn chung, tăng trưởng GDP của các nền kinh tế phát triển dự kiến chỉ khoảng 1,4-1,5%, còn của các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi là 4,0-4,1% trong hai năm tới.

Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất của kinh tế thế giới hiện nay không phải là mức tăng trưởng thấp mà là môi trường lạm phát cao dai dẳng, kéo theo hành động thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn. Điều này một mặt cản trở đầu tư và tiêu dùng, mặt khác đẩy rủi ro của hệ thống tài chính toàn cầu lên cao. Lạm phát tổng thể giảm chậm, lạm phát lõi (loại trừ biến động của giá nhiên liệu và lương thực thực phẩm) còn giảm chậm hơn. Giá cả tiêu dùng những tháng gần đây ở Mỹ tuy có giảm nhưng vẫn tăng trên 3% so với cùng kì, cao hơn mức mục tiêu 2%, bất chấp ngân hàng trung ương nước này đã kéo dài quá trình tăng lãi suất suốt hơn một năm qua. Lạm phát ở Nhật cũng ở mức tương tự. Trong khi đó, lạm phát khu vực đồng tiền chung euro còn tồi tệ hơn khi vẫn ở trên mức 5% và khó giảm nhanh trong thời gian           tới. Ngoại trừ Trung Quốc và Thái Lan, lạm phát ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển thuộc khối BRICS hay ASEAN đều đang ở trên xa mức 3%, thậm chí là hai con số như Nam Phi. Trong thời gian tới, hiện tượng thời tiết bất lợi El Nino cùng với những xung đột địa chính trị có thể gây ra các cú sốc cung, khiến giá cả hàng hóa thế giới có thể tăng trở lại và lạm phát toàn cầu khó giảm nhanh về mức mục tiêu như mong đợi.

Môi trường lạm phát cao khiến các ngân hàng Trung Ương lớn trên thế giới phát đi tín hiệu sẵn sàng thắt chặt thêm tiền tệ nếu cần thiết, hoặc ít nhất là giữ nguyên trạng thái hiện tại cho tới khi lạm phát trong vòng mục tiêu của họ. Điều này dẫn tới   nhiều tác động tiêu cực đối với các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Thứ   nhất, xuất khẩu và dòng đầu tư vào các nước đang phát triển có thể chậm lại hay khó  hồi phục do tăng trưởng kinh tế thấp ở các nước lớn. Thêm vào đó, xuất khẩu của Việt Nam, nước có đồng tiền neo khá chặt vào đồng đô-la Mỹ, còn có thể chịu một tác động tiêu cực khác liên quan đến sự lên giá đồng nội tệ so với hầu hết đồng tiền của các đối thủ cạnh tranh khác trên thị trường thương mại quốc tế. Thứ hai, môi trường lãi suất cao kéo dài ở các nước lớn còn làm hạn hẹp dư địa mở rộng tiền tệ, hạ lãi suất ở Việt Nam nếu không muốn chịu những sức ép đối với tỷ giá và dòng vốn quốc tế. Ngoài ra, sự căng thẳng và đổ vỡ của những tổ chức tài chính yếu kém  trên thế giới trong môi trường lãi suất cao sẽ ít nhiều có tác động tiêu cực đến thị trường tài chính trong nước, gây tâm lí bi quan và làm ảnh hưởng đến các quyết định  tiêu dùng và đầu tư trong nước.

  1. Tình hình kinh tế Việt Nam

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2023 ước tính tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023 [1]nhưng với xu hướng tích cực (quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,05%, quý III tăng 5,33%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,72%, đóng góp 8,03% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,19%, đóng góp 38,63%; khu vực dịch vụ tăng 6,24%, đóng góp 53,34%. Về sử dụng GDP quý III/2023, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,79% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 40,56% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 6,61%, đóng góp 44,92%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 2,27%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 1,42%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 14,52%.

GDP 9 tháng năm 2023 tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 2,19% và 1,57% của 9 tháng các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023[2]. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,43%, đóng góp 9,16%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,41%, đóng góp 22,27%; khu vực dịch vụ tăng 6,32%, đóng góp 68,57%.

Nhìn từ phía cầu, kinh tế Việt Nam trong 8 tháng qua đạt được kết quả tích cực nhờ sự đóng góp của 3 yếu tố: tiêu dùng, đầu tư và chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa.

Cầu tiêu dùng tăng trưởng mạnh, thể hiện qua tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, hoạt động du lịch tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Trong 8 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.043,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,7%.

Đầu tư công và thu hút vốn đầu tư nước ngoài được thúc đẩy và duy trì

Trong 8 tháng năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ vốn ngân sách Nhà nước ước đạt 49,4% kế hoạch, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là xu hướng tích cực tiếp đà cho các tháng cuối năm.

Trong bối cảnh khó khăn của kinh tế thế giới và khu vực, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 8 tháng năm 2023 đạt 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước8. Số dự án cấp mới đạt 1.924 dự án, tăng 69,5%; vốn đầu tư đăng ký cấp mới đạt 8,87 tỷ USD, tăng 39,7%, cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm, tin tưởng và kỳ vọng vào sự phát triển của kinh tế nước ta. Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đạt 13,1 tỷ USD, cao nhất của cùng kỳ các năm 2019- 2023.

Xuất siêu đạt mức khá cao. Trong 8 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ xuất siêu 20,19 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 5,26 tỷ USD), góp phần ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối. Trong đó một số mặt hàng xuất siêu: Điện thoại và linh kiện 28,9 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ 6,9 tỷ USD; thủy sản 4 tỷ USD; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện 2,3 tỷ USD; rau quả 2,2 tỷ USD; dây điện và cáp điện 510 triệu USD; cao su 221 triệu USD.

Nhìn từ phía cung, hoạt động sản xuất duy trì mức tăng trưởng dương ở cả 3 khu vực

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản luôn đóng vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế

Tính đến trung tuần tháng Tám, cả nước thu hoạch được 1.071,6 nghìn ha lúa hè thu, năng suất đạt 57,5 tạ/ha, tăng 0,9 tạ/ha; sản lượng đạt 11 triệu tấn, tăng gần 157 nghìn tấn so với vụ hè thu năm trước. Chăn nuôi trong tháng phát triển tương đối ổn định, trong đó: Số đàn lợn cuối tháng Tám tăng 3,3% so với cùng thời điểm năm trước; gia cầm tăng 2,3%; bò tăng 0,5%. Trong 8 tháng năm 2023, số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 58,5 triệu cây, tăng 4,8%; sản lượng gỗ khai thác đạt 12,4 triệu m3, tăng 2,9% do một số địa phương có sản lượng khai thác gỗ tăng cao.

Nuôi trồng thủy sản đạt kết quả khả quan, đặc biệt là nuôi tôm do xuất khẩu tôm đang có dấu hiệu phục hồi tại một số thị trường và nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng. Sản lượng nuôi trồng thủy sản trong tháng Tám ước tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 8 tháng năm 2023 tăng 3,2%, trong đó tôm tăng 4,1%.

Sản xuất công nghiệp có xu hướng tích cực hơn khi từ tháng Năm trở lại đây đã tăng trưởng dương và tháng sau tăng cao hơn tháng trước9. Chỉ số IIP tháng 8/2023 của một số ngành trọng điểm tăng cao: Sản xuất kim loại tăng 24,8%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 22,9%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 17,8%; dệt tăng 15,1%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 11,4%; sản xuất sản phẩm từ cao su, plastic tăng 10,5%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 9,3%; sản xuất đồ uống tăng 8,5%; sản xuất thuốc lá tăng 8,1%.

  • Vận tải hàng hóa tăng cao phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong các dịp Lễ, Tết. Trong 8 tháng năm 2023, vận tải hàng hóa ước đạt 497 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 316,9 tỷ tấn.km, tăng 13,4%. Trong đó, vận tải trong nước ước đạt 1.467,7 triệu tấn vận chuyển, tăng 15,4% và 200 tỷ tấn km luân chuyển, tăng 18,8%; vận tải ngoài nước ước đạt 29,3 triệu tấn vận chuyển, tăng 2,3% và 116,9 tỷ tấn.km luân chuyển, tăng 5,1%.
  • Số doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng năm 2023 là 103.658 doanh nghiệp, mức cao nhất trong giai đoạn 8 tháng đầu năm từ trước đến nay, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2022 và gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2018-2022 (89.899 doanh nghiệp).
  1. Thách thức đối với kinh tế Việt Nam

Trong bối cảnh quốc tế bất ổn kéo dài, thị trường hàng hóa, tài chính và thương mại quốc tế dự báo tiếp tục có nhiều biến động khó lường, kinh tế Việt Nam năm 2023 được nhận định sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn, khiến chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6%-6,5% và CPI bình quân ở mức 4,5% trong năm 2023 sẽ là thách thức lớn, đòi hỏi nhiều nỗ lực mới đạt được. Có thể nhận diện những rủi ro, thách thức chính đối với kinh tế Việt Nam trong năm 2023 như sau:

Một là, môi trường quốc tế có xu hướng xấu đi, rủi ro, thách thức từ bên ngoài vẫn hiện hữu và có những tác động tiêu cực rõ nét hơn. Đó là: (1) Khủng hoảng địa chính trị tại Ukraine dai dẳng, kéo dài và ngày càng phức tạp, khó đoán định; (2) Đại dịch Covid-19 chưa chính thức kết thúc và kinh tế Trung Quốc vẫn gặp nhiều khó khăn sau khi nới lỏng chính sách kiểm soát Covid-19 (từ đầu tháng 12/2022); (3) Lạm phát toàn cầu đã qua đỉnh, nhưng vẫn ở mức cao do giá cả các mặt hàng thiết yếu, như: năng lượng, lương thực… dù giảm, nhưng vẫn ở mức cao; (4) Thị trường tài chính và tiền tệ quốc tế biến động mạnh, thanh khoản eo hẹp hơn, dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ đang bị thu hẹp tại hầu hết các nền kinh tế; (5) Ba đầu tàu của kinh tế thế giới (Mỹ, EU và Anh Quốc) dự báo tăng trưởng chậm lại trong năm 2023, thậm chí có thể rơi vào suy thoái kỹ thuật, trước khi hồi phục từ năm 2024, trong khi Trung Quốc chưa thể tăng trưởng cao; (6) Các tranh chấp, căng thẳng thương mại, công nghệ giữa các nước có dấu hiệu tăng trở lại thời kỳ hậu Covid-19; (7) Các rủi ro khác (biến đổi khí hậu, thiên tai, các loại dịch bệnh khác…) vẫn phức tạp, khó lường.

Những yếu tố rủi ro trên, nhất là nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, Trung Quốc còn nhiều khó khăn và thị trường tài chính, tiền tệ tiềm ẩn rủi ro đã và đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam, nhất là xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng và du lịch quốc tế, khiến mục tiêu tăng trưởng 6,5% là rất thách thức. Thực tế, một số động lực cho tăng trưởng (xuất khẩu, sản xuất công nghiệp…) mặc dù vẫn tăng, song có dấu hiệu chậm lại khi các điều kiện kinh doanh xấu đi và nhu cầu thế giới suy giảm mạnh, đơn hàng sụt giảm, trong khi chi phí đầu vào vẫn ở mức cao và thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu. Cụ thể: (1) Hoạt động xuất khẩu có xu hướng tăng chậm lại khi kim ngạch xuất khẩu lũy kế 8 tháng đầu năm 2022 tăng 18,2% (so với cùng kỳ năm trước), nhưng chỉ tăng 10,6% trong cả năm 2022; (2) Hoạt động của khu vực sản xuất suy giảm trong tháng 11, khi chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam chỉ đạt 47,4 điểm trong tháng 11, ghi nhận mức tiêu cực (dưới 50 điểm) lần đầu tiên kể từ tháng 10/2021; (3) Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý IV chỉ tăng 3% – mức tăng thấp nhất so với 3 quý trước của năm (lần lượt là 6,8%, 9,8% và 10,9%), khiến IIP cả năm 2022 chỉ tăng 7,8%, cho thấy sản xuất công nghiệp có dấu hiệu chững lại.

Hai là, giải ngân đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội các năm 2022-2023 đang chậm tiến độ so với kế hoạch. Nguyên nhân chính gây khó khăn cho hoạt động giải ngân vốn đầu tư công và Chương trình phục hồi còn chậm là do: (i) Chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức, còn ngại rủi ro, còn phát sinh thêm thủ tục, còn cứng nhắc…; (ii) Các ngân hàng thương mại gặp khó khăn trong xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất đối với một số trường hợp khách hàng kinh doanh đa ngành; việc đánh giá khả năng phục hồi còn khó khăn, thiếu nhất quán; khách hàng có tâm lý sợ thanh, kiểm tra sau khi giải ngân; (iii) Khâu chuẩn bị thực hiện các dự án đầu tư công chưa tốt và còn nhiều điểm bất cập so với Luật Đầu tư công.

Ba là, áp lực lạm phát còn tăng, lãi suất ở mức cao và áp lực tỷ giá biến động vẫn là thách thức lớn trong năm 2023. So với nhiều nước, lạm phát, tỷ giá và lãi suất của Việt Nam tăng chậm hơn, vẫn trong tầm kiểm soát, song cần theo dõi chặt chẽ do: (1) Giá năng lượng, hàng hóa thế giới vẫn đứng ở mức cao; (2) Tỷ giá tăng gây áp lực tăng giá hàng hóa, dịch vụ trong nước khi nhiều mặt hàng và nguyên vật liệu sản xuất phải nhập khẩu bằng USD; (3) Việc điều chỉnh tiền lương cơ sở (dự kiến tăng gần 21%) được áp dụng trong năm 2023, gây áp lực lạm phát; (4) Một số mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý, như: điện, giáo dục, y tế… đang trong lộ trình tăng giá; (5) Tình trạng khan hiếm hàng hóa cục bộ có thể xảy ra nếu không được giải quyết kịp thời (nhất là xăng dầu, thuốc men, thiết bị y tế…); (6) Fed có khả năng tiếp tục tăng lãi suất đến hết quý I/2023, các ngân hàng trung ương lớn khác còn tăng lãi suất đến giữa năm 2023, trong khi dư địa chính sách tiền tệ của Việt Nam đang hẹp dần; (7) Áp lực đối với thanh khoản của các tổ chức tín dụng còn khá lớn, khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiểm soát cung tiền nhằm kiềm chế lạm phát, bình ổn tỷ giá. Năm 2022, tăng trưởng tín dụng ước đạt khoảng 14%, trong khi huy động vốn ước tăng khoảng 7%, nhu cầu thanh toán cuối năm, dịp Tết Quý Mão – 2023 tăng; áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp khá lớn trong năm 2023-2024. Vì vậy, ổn định được mặt bằng lãi suất và tỷ giá tăng ít hơn so với năm 2022 đã là thành công trong năm 2023.

Bốn là, một số thị trường then chốt, như: tiền tệ, chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản và lao động… đang bộc lộ rủi ro, thanh khoản eo hẹp hơn; vốn cho doanh nghiệp khó tiếp cận hơn, đang là thách thức đặt ra. Chính phủ, các cơ quan quản lý đã nhận diện và quyết tâm chấn chỉnh, khắc phục và lành mạnh hóa; được kỳ vọng tốt lên trong thời gian tới.

Năm là, nợ xấu tiềm ẩn vẫn là thách thức. Theo NHNN, hiện tỷ lệ nợ xấu hệ thống ngân hàng vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, trong bối cảnh tác động của thời kỳ hậu đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới đang xấu đi, mặt bằng lãi suất cho vay và tỷ giá chịu nhiều áp lực tăng, nghĩa vụ trả nợ tăng (gồm cả trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn), khiến doanh nghiệp ở một số lĩnh vực gặp khó khăn, nhất là sau khi Thông tư số 14/2021/TT-NHNN, ngày 07/09/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, ngày 13/3/2020 của NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đã hết hạn vào ngày 30/6/2022. Theo đó, nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng năm 2022 tăng và ở mức 2%, trong khi nợ xấu gộp ở mức khoảng 4%. Nợ xấu có thể còn tăng trong năm 2023, khi kinh tế Việt Nam năm nay dự báo khó khăn hơn, thanh khoản nền kinh tế, thị trường bất động sản còn khó khăn và cần thời gian để khắc phục.

  1. Một số kiến nghị

Những động lực tăng trưởng hiện hữu như: xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng vẫn luôn là những động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, nhưng những tác động từ những biến động tiêu cực của kinh tế thế giới đã phần nào làm suy yếu những động lực truyền thống. Do vậy, để củng cố những động lực truyền thống này, nhân rộng lan tỏa sang những động lực mới, nhiều triển vọng phát huy các giải pháp sau:

Một là, cần tiếp tục nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 6/1/2023; các chỉ thị, nghị quyết, nghị định của Quốc Hội và Chính phủ đã ban hành như nêu trên; tiếp tục bám sát tình hình kinh tế, tài chính quốc tế; chủ động phân tích, dự báo diễn biến các thị trường quốc tế để có kịch bản chủ động ứng phó phù hợp; tiếp tục bình ổn, lành mạnh hóa các thị trường (chứng khoán, TPDN, BĐS, xăng dầu, thanh khoản ngân hàng…) nhằm củng cố niềm tin nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân, và cũng là góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an ninh – an sinh xã hội.

Hai là, các bộ ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai Chương trình phục hồi 2022-2023, các chương trình mục tiêu quốc gia và giải ngân đầu tư công, nhất là đối với các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao, đầu tư cơ sở hạ tầng; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ dự án, giải phóng mặt bằng, điều chuyển vốn, kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong triển khai; tiến tới xem xét sửa đổi Luật đầu tư công và các quy định liên quan phù hợp.

Ba là, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong đó cần chú trọng các động lực tăng trưởng hiện hữu bao gồm: (i) đẩy mạnh giải ngân đầu tư công bởi theo đánh giá của Viện ĐT&NC BIDV, nếu giải ngân được 95% tổng vốn 713 nghìn tỷ đồng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đầu tư Nhà nước tăng 30%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 13,2% và đóng góp 2 điểm % vào tăng trưởng GDP năm 2023; (ii) kích cầu tiêu dùng nội địa, theo tính toán của Nhóm Nghiên cứu, tiêu dùng (loại trừ yếu tố giá) tăng thêm 1 điểm % sẽ giúp GDP tăng thêm 0,2 điểm %; (iii) quan tâm thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu nền kinh tế, nhất là Hà Nội và TP. HCM (hai thành phố này đóng góp khoảng 39% tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2019 và có tính lan tỏa cao), qua đó thúc đẩy liên kết vùng…v.v.

Bốn là, tiếp tục phối hợp chính sách hiệu quả (đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác) nhằm tiếp tục giảm lãi suất, bình ổn tỷ giá, giá hàng hóa thiết yếu và các thị trường tài chính, xây dựng, BĐS, lao động…; nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng. Theo đó, cần tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác đã ban hành (như nêu trên) cũng như chính sách hoàn thuế VAT…v.v.

Năm là, quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực từ suy giảm xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng bằng cách: (i) khai thác tốt hơn các FTAs đã ký kết, thực hiện hiệu quả hơn công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, đa dạng hóa hàng hóa và thị trường xuất khẩu, đầu tư; (ii) tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc về qui định phòng cháy – chữa cháy, cung ứng điện, đẩy lùi tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy…; (iii) triển khai hiệu quả các biện pháp khuyến mại, kích cầu thương mại và du lịch trong nước; (iv) rà soát, cập nhật và điều chỉnh cơ chế, chính sách thu hút FDI theo hướng tập trung vào cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư – kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là các vấn đề về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực; (v) quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc, rào cản lớn đối với doanh nghiệp hiện nay, nhất là về vấn đề pháp lý, thị trường đầu ra, tiếp cận vốn (đặc biệt là khả năng tiếp cận và năng lực hấp thụ vốn) và lao động.

Sáu là, chú trọng cơ cấu lại nền kinh tế (nhất là các DNNN, dự án yếu kém, TCTD yếu kém, đầu tư công…) nhằm thu hút và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn (theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng XIII và của Quốc Hội). Việc này đã bị chậm trễ thời gian qua do phải ưu tiên giải quyết những việc cấp bách trước (dịch bệnh, thiên tai, suy giảm tăng trưởng…); nay cần quan tâm hơn và kiên trì, nhất quán thực hiện như nhiều quốc gia đang làm sau dịch bệnh, xung đột vũ trang…v.v.

Kết luận

Có thể thấy trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam, việc xác định các động lực tăng trưởng là quan trọng để có những giải pháp đúng và trúng đưa nền kinh tế nước ta đạt tăng trưởng ở mức cao nhất có thể. Kích cầu tiêu dùng, đầu tư và duy trì cân bằng bền vững của cán cân thương mại hàng hóa là những giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm 2023, tạo đà tăng trưởng cho những năm tiếp theo.

Danh mục tài liệu tham khảo

[1]. IMF (2023). World Economic Outlook: Near-Term Resilience, Persistent Challenges. International Monetary Fund, July 2023.

[2]. OECD (2023). OECD Economic Outlook: A long unwinding road, June 2023 [3]. TCTK (2023). Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý II 2023 của Tổng Cục Thống kê.

[4]. Bộ Tài chính (2023). Văn bản Số 8649/BTC-QLN của Bộ Tài chính ngày 14/8/2023

[5]. ADB (2023). Key Economics Indicators, Asian Development Bank.

[1] Tốc độ tăng/giảm GDP quý III so với cùng kỳ năm trước các năm 2011-2023 lần lượt là: 6,37%; 5,5%; 5,71%; 6,59%; 7,16%; 6,91%; 7,54%; 7,2%; 7,62%; 3%; -6,03%; 13,71%; 5,33%.

[2] Tốc độ tăng GDP 9 tháng các năm 2011-2023 so với cùng kỳ năm trước lần lượt là: 6,2%; 5,34%; 5,26%; 6,11%; 6,85%; 6,4%; 6,49%; 7,35%; 7,3%; 2,19%; 1,57%; 8,85%; 4,24%.

TS. Nguyễn Thị Kim Chung

Đặc san phát triển kinh tế – xã hội