(RISED) – Ngày 11/12 vừa qua, tại khách sạn Novotel, quận 3, TP.HCM, Education First Việt Nam (EF) đã tổ chức sự kiện “Công Bố Ấn Bản Chỉ Số Thông Thạo Anh Ngữ Toàn Cầu Năm 2023”.
Đến dự sự kiện với sự hiện diện của các đại diện của EF Việt Nam gồm có tiến sĩ David Bish – Giám đốc học thuật EP, ông Mark Do – Giám đốc EP Việt Nam, các chuyên viên EP cùng các cơ quan báo – đài và các khách mời tham gia sự kiện.
Tiến sĩ David Bish công bố ấn bản EPI 2023 (chỉ số thông thạo Anh Ngữ toàn cầu năm 2023), dựa trên báo cáo phân tích kết quả của 2,2 triệu người trưởng thành đã tham gia bài kiểm tra Tiếng Anh EF SET trong năm 2023, với sự tập trung đặc biệt vào các xu hướng thay đổi về trình độ Tiếng Anh trên toàn cầu kể từ khi ấn bản EF EPI đầu tiên được công bố vào năm 2011.
Chỉ số thành thạo Tiếng Anh của Việt Nam năm 2023 đạt 505/800 điểm, xếp thứ 58 trên tổng số 113 quốc gia và vùng lãnh thổ, và nằm trong nhóm có mức độ thông thạo trung bình. Cách đây hai năm, Việt Nam chỉ đạt 486 điểm và nằm trong nhóm các Quốc Gia có mức độ thông thạo thấp. Trong báo cáo năm nay, mức độ thông thạo tiếng Anh của người Việt đã tăng 9 điểm, xếp thứ 7 trong khu vực Châu Á, cao hơn điểm số của Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc, Nhật Bản.
Những chủ đề chính trong báo cáo EPI 2023:
Tiếng Anh và Kinh Tế
Trong thập kỷ qua chúng tôi đã phát hiện mối tương quan chặt chẽ giữa trình độ Tiếng Anh và GDP, với thu nhập bình quân đầu người và một loạt các chỉ số kinh tế khác. Kết quả đang cho thấy trình độ Tiếng Anh tốt hơn đi đôi với lực lượng lao động hiệu quả hơn. Tiếng Anh tạo điều kiện cho xuất khẩu dịch vụ, tạo điều kiện cho thương mại quốc tế và cải thiện khả năng cạnh tranh.
Tiếng Anh và Sự đổi mới
Sự đổi mới sáng tạo và nghiên cứu phụ thuộc vào dòng chảy không ngừng của thông tin và ý tưởng. Trong thế kỷ qua, khi Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ toàn cầu, ngày càng nhiều lĩnh vực sử dụng Tiếng Anh như là một phương tiện kết nối vô cùng quan trọng. Có một sự thật là con người có xu hướng thúc đẩy các nghiên cứu và phát minh mới nhiều hơn và hiệu quả hơn khi họ nói cùng chung một ngôn ngữ.
Tiếng Anh và Việc làm
Nghiên cứu năm nay chỉ ra rằng nhóm ngành Hàng Không; Truyền Thông, Thể Thao & Giải trí; Dịch vụ chuyên nghiệp là 3 nhóm ngành có nguồn nhân lực với mức thông thạo Tiếng Anh cao nhất. Đối với nhiều chuyên gia, dù kinh nghiệm chuyên môn ở mức cao, nhưng trình độ Tiếng Anh thấp hơn mức trung bình là rào cản cho sự phát triển nghề nghiệp và tiếp cận thông tin. Nhóm nhân sự ở cấp điều hành của khu vực Châu Á có chỉ số EPI thấp hơn Châu Âu, Châu Mỹ La Tinh và Trung Đông. Tiếng Anh nên được xem là động lực để hòa nhập thay vì là rào cản cho sự phát triển nghề nghiệp.
Tiếng Anh và Xã Hội
Đối với các cá nhân, việc nói Tiếng Anh mở ra nhiều cơ hội tiếp cận thông tin, cơ hội học tập đa dạng, cơ hội có mức lương cao hơn và sự độc lập hơn so với mặt bằng lao động chung của từng địa phương. Hầu hết các cá nhân học Tiếng Anh thường thu nhận những kiến thức cơ bản thông qua những chương trình đào tạo quy chuẩn. Do đó, sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận các chương trình đào tạo Anh Ngữ chất lượng được xem như một nhân tố thúc đẩy sự không công bằng. Điều này sẽ kìm hãm tiềm năng phát triển của con người cũng như truyền tải sự bất công này sang các thế hệ tiếp theo.
Tiếng Anh và Tương Lai
Tiếng Anh không chỉ tạo ra cơ hội cho mọi người du học, làm việc cho các công ty đa quốc gia, tham gia vào nghiên cứu quốc tế, mà nó còn giúp mọi người giao tiếp và mở rộng mối quan hệ với bạn bè thế giới. Thật khó để ước tính được giá trị của một thế giới được kết nối mạnh mẽ. Tuy nhiên, những mối đe dọa toàn cầu như khủng hoảng khí hậu chỉ có thể được giải quyết nếu chúng ta nâng cao mức độ đoàn kết và hợp tác quốc tế.
Trình độ Tiếng Anh của thế hệ trẻ đang bị suy giảm ở một số nơi
Nhóm tuổi trẻ nhất (18-20 tuổi) đang có sự suy giảm về khả năng sử dụng Tiếng Anh, đặc biệt là khu vực Châu Á và Châu Mỹ La Tinh. Lý do có lẽ đến từ sự gián đoạn của hệ thống giáo dục trong thời kỳ đại dịch. Hiện chưa rõ liệu sự thiếu hụt kiến thức do COVID-19 có thể tự điều chỉnh được trong tương lai hay không, nhưng đối với thế hệ học sinh sau này, chúng ta hoàn toàn có thể mong đợi sự phục hồi nhanh chóng.
Trình độ Tiếng Anh của lực lượng lao động đang tăng
Những người đi làm đang ngày càng nâng cao khả năng sử dụng Tiếng Anh kể từ năm 2015, đây cũng là năm đầu tiên chúng tôi bắt đầu công bố điểm số EPI theo nhóm tuổi. Lực lượng lao động đang phát triển khả năng sử dụng Tiếng Anh trong môi trường công việc thông qua các chương trình đào tạo sẵn có hoặc qua sự tự phát triển của cá nhân. Điều này phù hợp với nhu cầu tăng lên đáng kể về các khóa học Tiếng Anh chuyên nghiệp trong thập kỷ qua, khi các công ty và nhân viên đang cố gắng thu hẹp khoảng cách giữa yêu cầu của môi trường làm việc toàn cầu và khả năng Tiếng Anh họ đã học trong các chương trình giáo dục chính thống.
Khoảng cách giới tính vẫn tiếp tục tăng
Trong suốt thập kỷ qua trên toàn cầu, trình độ Tiếng Anh của nam giới đã được cải thiện, trong khi ở phụ nữ lại giảm nhẹ. Môi trường làm việc là nơi thể hiện rõ ràng khoảng cách giới tính: nếu mọi người đều cùng đang phát triển trình độ Tiếng Anh trong công việc, thì vẫn có những phạm vi mà phụ nữ chưa được đánh giá đúng mức, đặc biệt là trong các vị trí có mức thu nhập cao hơn và mang tính toàn cầu hơn. Tuy nhiên, khoảng cách về giới tính trong nhóm tuổi từ 18-25 lại lớn gấp ba lần so với những người trong độ tuổi lao động, cho thấy rằng vấn đề này có thể xuất phát từ hệ thống giáo dục chính thống hoặc là một vấn đề xã hội mà học đường chưa thể giải quyết. Điều này có vẻ gây ngạc nhiên bởi chúng ta đã có sự tiến bộ trong việc đảm bảo quyền tiếp cận bình đẳng về giáo dục, sự tham gia nhiều hơn của phụ nữ trong các bậc học cao hơn và kết quả học tập tổng thể của các học sinh nữ. Các quốc gia có mức mất cân bằng kỹ năng giữa nam và nữ cao sẽ cần tiến hành nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này.
Sự ổn định của Châu Âu
Châu Âu vẫn đứng đầu trong bảng xếp hạng chỉ số thông thạo Tiếng Anh. Tuy nhiên, một số nền kinh tế lớn của Châu Âu (Pháp, Tây Ban Nha, Ý) vẫn chưa đạt được cùng mức độ thành thạo Tiếng Anh như các nước láng giềng của họ.
Phần còn lại của châu Á chủ yếu ổn định
Khu vực Nam Á và Đông Nam Á có một sự giảm nhẹ về trình độ Tiếng Anh trung bình, tuy nhiên nhiều quốc gia trong khu vực này vẫn giữ điểm số ổn định hoặc tăng nhẹ. Số điểm trung bình ở khu vực này bị ảnh hưởng bởi trình độ Tiếng Anh ở Ấn Độ đã giảm dần trong vài năm qua. Thêm vào đó, điểm số của Thái Lan cũng bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch. Ở Trung Á, trình độ Tiếng Anh thấp và ổn định, với khoảng cách giới tính cao hơn mức trung bình, xu hướng chênh lệch nam giới hơn nữ giới đều có ở hầu hết các quốc gia này.
Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang xếp vị trí thứ 4, chỉ sau Singapore, Philipines và Malaysia.
Nguyễn Bình