Chuyển đổi số đang trở thành một trong những xu hướng, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế và xã hội trên toàn cầu và Việt Nam, với sự đổi mới và sự thích nghi nhanh chóng, không nằm ngoài xu hướng này. Trong bối cảnh thế giới đang cho thấy những bước chuyển mình nhanh chóng và mạnh mẽ, sự thay đổi từng ngày đến từ việc áp dụng khoa học, kỹ thuật, số hoá vào quản lý, vận hành xã hội, điều hành doanh nghiệp, cung ứng sản phẩm, dịch vụ, kết nối toàn cầu. Việt Nam đã và đang đẩy nhanh quá trình áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, tiến hành số hoá việc quản lý xã hội, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, doanh nghiệp số… Nhà nước, Chính phủ đặc biệt quan tâm, đầu tư vấn đề số hoá này, không phải thời điểm hiện tại chúng ta mới bắt đầu đề cập đến vấn đề này mà từ khoảng đầu những năm 2000 khi manh nha những doanh nghiệp đầu tư theo mô hình hiện đại hoá, chúng ta đã bắt đầu suy nghĩ, tìm kiếm và đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào để tăng năng suất lao động, tăng cường khả năng quản lý nền kinh tế xã hội. Nhưng trải qua quá trình phát triển và những ảnh hưởng nhất định của biến động kinh tế khu vực, toàn cầu đồng có tác động đến quá trình này, mặt khác trong khoảng thời gian trước kia Việt Nam chú trọng việc xây dựng trước hết cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực cho quá trình phát triển. Cho tới thời điểm hiện tại gắn với sự phát triển toàn cầu về khoa học công nghệ, Việt Nam cũng kịp thời bắt nhịp với sự phát triển đó, chúng ta có nhiều doanh nghiệp nghiên cứu phát triển công nghệ có thể kể tới như tập đoàn FPT Coporation, MISA Joint Stock Company, VinGroup, VNG Coporation, tập đoàn Công nghiệp viễn thông Viettel, tập đoàn BKAV… cho ra đời nhiều sản phẩm công nghệ, xuất khẩu hoặc gia công cho các tập đoàn khác. Cùng với đó ngày càng có nhiều doanh nghiệp khác khởi nghiệp, đầu tư cho khoa học, công nghệ, trí tuệ nhân tạo AI.
Với dân số trẻ năng động, một môi trường doanh nghiệp đa dạng và một chính phủ quyết tâm, Việt Nam đã bắt đầu một hành trình chuyển đổi số với mục tiêu không chỉ là sự phát triển kinh tế mà còn là sự nâng cao chất lượng cuộc sống và cơ hội cho mọi công dân. Từ những thành công ban đầu đến những thách thức và cơ hội trong tương lai, hành trình chuyển đổi số ở Việt Nam đang chứng kiến sự đổi mới đa dạng và có tiềm năng thú vị. Nhưng việc này cũng cần có sự tìm hiểu, nghiên cứu về những khía cạnh thuận lợi và những khó khăn, thách thức khiến cho cuộc cách mạng số hóa này trở thành một phần không thể thiếu của sự phát triển bền vững của đất nước. Việt Nam, giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới, đang trải qua quá trình chuyển đổi số, có những thuận lợi nhất định và cũng gặp phải những khó khăn. Dưới đây là một số điểm thuận lợi và khó khăn khi áp dụng chuyển đổi số tại Việt Nam:
Thuận lợi:
– Thứ nhất thuận lợi đến từ yếu tố chính trị: Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu, tác động to lớn đến quá trình chuyển đổi số, Việt Nam đã cho thấy mức độ quan tâm của Chính phủ đến việc áp dụng số hoá trong những năm gần đây, bằng chứng lớn nhất là việc xây dựng chiến lược Quốc gia về Chuyển đổi số, đề cập đến việc xây dựng nền kinh tế số, tăng cường sự kết nối và tích hợp công nghệ số vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Thông qua việc xây dựng Chiến lược quốc giá về Chuyển đổi số Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách và biện pháp hỗ trợ chuyển đổi số, bao gồm việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, và tạo cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, tang cường hợp tác quốc tế trong chuyển giao khoa học, công nghệ. Ngoài ra với việc tạo ra mục tiêu, động lực cho các chủ thể tham gia vào quá trình đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, Nhà nước còn tạo ra khung pháp lý để làm căn cứ cho các chủ thể vận dụng, tạo thế công bằng cho các chủ thể tham gia, cạnh tranh và phát triển.
– Thuận lợi đến từ yếu tố kinh tế: Trong khoảng hai thập kỷ trở lại đây Việt Nam đang vươn mình trở thành một quốc gia có nền kinh tế phát triển năng động nhất khu vực và là một trong những quốc gia có sự ổn định về chính trị hàng đầu thế giới, điều này tạo ra những điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam, đồng thời các doanh nghiệp trong nước cũng nỗ lực vươn lên, nhiều tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam hiện nay đã có sức ảnh hưởng toàn cầu. Trong giai đoạn sắp tới Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn nữa để phát triển kinh tế do những bất ổn, đối đầu chính trị giữa các nước lớn dẫn tới các doanh nghiệp, tập đoàn lớn chuyển dịch chuỗi sản xuất, cung ứng về Việt Nam tạo ra cơ hội hợp tác, đầu tư trong nhiều lĩnh vực công nghệ mới cũng như tạo ra môi trường cạnh tranh để các chủ thể tìm kiếm cơ hội phát triển.
– Thuận lợi đến từ yếu tố xã hội: Hiện nay dân số Việt Nam khoảng hơn 100 triệu người, hầu hết là người trong độ tuổi lao động, được đào tạo bài bản, chất lượng, có khả năng, trình độ, người lao động Việt Nam có khả năng thích nghi nhanh với môi trường làm việc hiện đại. Cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đang được đầu tư và đáp ứng tốt với tình hình phát triển kinh tế như phổ cập internet toàn quốc, đồng bộ hệ thống trạm phát song 5G, vận dụng máy móc hiện đại vào dịch vụ công. Hệ thống giao thông vận tải đường bộ, đường biển, đường hàng không được đầu tư, mở rộng, mở mới nối các vùng kinh tế trong cả nước, liên vận quốc tế, quá cảnh…
Từ một số nội dung về yếu tố thuận lợi được nhắc đến như là những thế mạnh và sự chuẩn bị sẵn sàng của Việt Nam cho công cuộc số hóa toàn diện kinh tế, xã hội thì cũng cần phân tích những khó khăn đến từ các yếu tố này để trong thời gian sớm nhất chúng ta có thể tìm kiếm các giải pháp phù hợp nhất để khắc phục những khó khăn, hạn chế đó để đẩy mạnh quá trình ứng dụng số hóa.
– Khó khăn đến từ yếu chính trị: Hiện nay việc xác định, định hướng mục tiêu cụ thể của số hóa của Nhà nước, Chính phủ đã có những thay đổi tích cực, tuy nhiên việc xây dựng đồng bộ các chiến lược số hóa cho khối cơ quan nhà nước còn rất chậm chạp, nhiều ứng dụng, phần mềm phát sinh nhiều lỗi, nhiều lỗ hổng bảo mật, việc số hóa dữ liệu còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Hệ thống văn bản pháp lý quy định về chuyển đổi số còn chưa đồng bộ, khiến các chủ thể lúng túng trong việc nhập khẩu thiết bị, ký kết với các đối tác. Các đơn vị thuộc quản lý của Nhà nước và Chính phủ còn chờ các văn bản hướng dẫn, phê duyệt dự án, thủ tục đấu thầu phức tạp dẫn tới dự án hoàn thành chậm, muộn hoặc bị dừng do thiếu kinh phí, chủ trương hoặc không còn phù hợp với thực tiễn.
– Khó khăn đến từ yếu tố kinh tế: Kinh tế phát triển là yếu tố thuận lợi để chính phủ và các ngành áp dụng chuyển đổi số, xây dựng xã hội số nhưng cũng đồng thời tạo ra những khó khăn, thách thức như là yếu tố hai mặt của một vấn đề. Trong những khó khăn, thách thức đó buộc các cơ quan áp dụng số hoá phải có những nghiên cứu, nhìn nhận thực tiễn để sửa đổi, ngăn chặn và xử lý mọi vấn đề phát sinh nhằm hoàn thiện. Việc phát triển kinh tế cũng đồng thời đòi hỏi sự thay đổi, nâng cấp ngày càng lớn theo hướng hiện đại hơn, điều này yêu cầu nguồn kinh phí duy trì, bảo trì và nâng cấp hàng năm, nâng cấp theo chu kỳ lớn, nếu nguồn ngân sách duy trì hàng năm không đủ sẽ ảnh hưởng tới việc vận hành máy móc, thiết bị. Việc bị ngắt quãng sẽ gây hiệu ứng lớn, thiệt hại trong lưu trữ, chia sẻ thông tin, thiệt hại về kinh tế là rất lớn. Việt Nam cũng là một quốc gia đang phát triển, chúng ta đa phần là mua công nghệ độc quyền của các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Isarel… việc mua công nghệ cũng cần phải chi phí lớn, nhưng cũng cần nghiên cứu kỹ đối tác cung ứng vật tư kỹ thuật vì yếu tố an ninh và yếu tố lâu dài, cam kết hỗ trợ của đối tác theo dự án lâu dài. Việc phát triển kinh tế nhưng không đồng đều về chất lượng cũng dẫn tới các cá nhân trong cộng đồng không được hưởng chất lượng dịch vụ như nhau, khác biệt giữa thành thị và nông thôn, vùng sâu, vùng xa, điều này cũng gây ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của quá trình số hóa trên toàn bộ các mặt đời sống xã hội.
– Những khó khăn đến từ yếu tố xã hội: Yếu tố xã hội có thể đặt ra nhiều thách thức đối với quá trình số hóa, sự phát triển của xã hội cũng chịu tác động của nhiều yếu tố, trong đó có những yếu tố bất ngờ, không theo quy luật. Việc áp dụng số hoá một mặt nhận những ảnh hưởng tích cực từ quá trình phát triển của xã hội, khoa học kỹ thuật, giáo dục…nhưng mặt khác cũng chịu những tác động tiêu cực do chính đời sống xã hội nảy sinh ra. Xã hội phát triển nhưng không đồng đều, sự đa dạng văn hóa và thái độ trong cộng đồng có thể tạo ra khó khăn trong việc thiết kế và triển khai các giải pháp số hóa. Việt Nam là một quốc gia có 54 dân tộc, với tiếng Kinh là ngôn ngữ chính thống nhưng bên cạnh đó còn nhiều ngôn ngữ vùng miền, nhiều người nói được nhưng không viết được, không đọc được tiếng kinh, dẫn tới những khó khăn khi sử dụng dịch vụ công. Sự khác biệt về văn hoá vùng miền đôi khi cũng là yếu tố cản trở việc triển khai các dịch vụ, quy trình quản lý đến cộng đồng. Mối quan ngại về quyền riêng tư có thể làm chậm quá trình số hóa, đặc biệt là khi người dùng không tin tưởng vào việc sử dụng và bảo vệ dữ liệu cá nhân. Nếu việc bảo vệ dữ liệu người dùng, bảo đảm tài sản của cộng đồng bị đe doạ thì việc triển khai số hoá sẽ gặp nhiều khó khăn, cản trở. Sự lo ngại về bảo mật thông tin cá nhân và rủi ro liên quan đến việc sử dụng công nghệ có thể làm giảm lòng tin của cộng đồng, đặc biệt khi xã hội chưa sẵn sàng để đối mặt với các vấn đề an ninh mạng. Một bộ phận có thể lo ngại rằng quá trình số hóa có thể tạo ra tình trạng mất việc làm hoặc tăng cường khoảng cách xã hội, đặc biệt là trong trường hợp nơi công nghệ thay thế lao động. Sự chênh lệch trong khả năng tiếp cận công nghệ giữa các tầng lớp xã hội có thể tạo ra định kiến chia rẽ, khiến cho một số người bị loại trừ khỏi lợi ích của quá trình số hóa. Mọi quá trình thay đổi đều đối mặt với sự khó khăn khi cố gắng thay đổi thái độ và hành vi của cộng đồng. Việc chấp nhận và chuyển đổi từ các thực hành truyền thống có thể là một thách thức.
Trong giai đoạn tiếp theo, quá trình vận dụng số hóa sẽ chỉ ra những ưu điểm và nhược điểm, với vai trò quản lý, điều tiết thì Nhà nước và Chính phủ sẽ có những điều chỉnh phù hợp hơn vào từng thời kỳ cụ thể. Các chủ thể của số hóa bao gồm cả chủ thể áp dụng và chủ thể sử dụng sẽ có những phản hồi để khối cơ quan quản lý nắm bắt, điều chỉnh, điều quan trọng là nhanh chóng, kịp thời xử lý các khó khăn, hạn chế và phát huy các yếu tố tích cực để kịp thời hòa nhập với sức phát triển từng ngày của thế giới và khu vực./.
ThS Nguyễn Đình Huy – Đặc san phát triển kinh tế – xã hội số 6