Thủ tướng: “Trong lúc này chưa thể mở cửa ngay cho khách du lịch”

Về các giải pháp tái cấu trúc ngành du lịch và phục hồi du lịch quốc tế hậu Covid-19, Thủ tướng cho biết đã giao cho các bộ, ngành liên quan xử lý, tuy nhiên trong lúc này chưa thể mở cửa ngay cho khách du lịch.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói như vậy tại buổi gặp mặt một số thành viên thường trực, tiêu biểu của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Tổ chức các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trẻ Việt Nam (YPO Việt Nam) hôm 16/7.

Nhấn mạnh Việt Nam đã sớm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, Thủ tướng cho rằng thắng lợi quan trọng nhất là thắng lợi về niềm tin của nhân dân trong nước và quốc tế đối với Việt Nam.

“Cuộc gặp hôm nay của chúng tôi với các bạn chính là muốn mong mỏi các bạn tiếp tục đóng góp vào sự phát triển đất nước trong bối cảnh thế giới và khu vực, nhất là 19 đối tác quan trọng nhất của Việt Nam chưa thoát ra dịch bệnh.

Một câu hỏi lớn là làm sao giữ được, không để đổ gãy nền kinh tế, làm sao hệ thống doanh nghiệp Việt Nam phát triển được”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo cuộc họp.

Tại cuộc gặp mặt, đại diện các doanh nghiệp trình bày các nhóm sáng kiến, giải pháp, đóng góp xung quanh các mục tiêu và ưu tiên của Chính phủ, trong đó có các giải pháp, cơ chế thu hút và dịch chuyển hiệu quả dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam trong bối cảnh mới, giải pháp tái cấu trúc ngành du lịch và phục hồi du lịch quốc tế hậu Covid-19, chuyển đổi số để Việt Nam thay đổi vị thế trong khu vực và trên thế giới.

Các doanh nghiệp cho rằng Việt Nam có nhiều cơ hội đón dòng vốn đầu tư mới và để làm điều đó, cần chuẩn bị về đất đai, nhất là hạ tầng các khu công nghiệp khi mà hiện nay nhiều khu công nghiệp đã hết diện tích đất.

Một số ý kiến cũng cho rằng cần giảm lãi suất cho vay, cần quan tâm, tạo thuận lợi cho về thị thực nhập cảnh (visa) cho các nhà đầu tư, chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam làm việc hay có chính sách visa riêng cho nhân lực trình độ cao.

Đại diện doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch thì mong muốn ngành điện tiếp tục giảm giá điện bởi tiền điện chiếm đến 20% tổng chi phí của khách sạn.

Ghi nhận ý kiến, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ và các bộ liên quan tiếp thu, tổng hợp.

Thủ tướng khẳng định tinh thần không để làn sóng Covid-19 thứ 2 quay lại Việt Nam và không để đổ gãy nền kinh tế, đạt tăng trưởng ở mức cao nhất có thể.

“Đây là 2 mặt của một vấn đề, quan điểm này cần vững vàng, chứ không thể nói vào Việt Nam mà không cách ly một cách phù hợp được”, người đứng đầu Chính phủ nói.

Về bài toán thu hút, dịch chuyển hiệu quả dòng vốn FDI vào Việt Nam trong bối cảnh mới, Thủ tướng nêu rõ đây là vấn đề Chính phủ rất quan tâm, ưu tiên.

Thủ tướng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đứng trên đôi chân của mình trong một nền kinh tế độc lập, tự chủ, đồng thời cũng phát triển các thành phần kinh tế, trong đó có thu hút FDI.

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng cho phép mở lại đường bay quốc tế từ tháng 8 tới, với tần suất các chuyến bay thương mại quốc tế là 1 chuyến/tuần cho mỗi bên đối với mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ.

Cụ thể, bộ này kiến nghị chủ trương phương án tổ chức các chuyến bay quốc tế thường lệ đến các khu vực ưu tiên gồm Quảng Châu (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Đài Loan (Trung Quốc), Viêng Chăn (Lào), Phnôm-pênh (Campuchia) với tần suất 1 chuyến/tuần/điểm đến.

Khách được chấp nhận trên các chuyến bay này phải có visa hợp lệ khi làm thủ tục chuyến bay (check-in). Toàn bộ khách nhập cảnh sẽ thực hiện cách ly theo quy định về phòng, chống dịch.

Như vậy, dự kiến mỗi tuần sẽ có từ 2.500 – 3.000 hành khách được đưa vào Việt Nam trên các chuyến bay thường lệ (ngoài các chuyến bay giải cứu công dân, chuyến bay thuê chuyến chở chuyên gia từ các địa điểm khác trên thế giới vào Việt Nam sẽ chở từ 1.000 – 1.500 khách).

Sau khi thống nhất phương án, Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) sẽ làm việc với các đối tác để trao đổi cụ thể các điều kiện cho việc vận chuyển hành khách giữa hai bên.

Nhằm phù hợp với điều kiện địa lý, phân bổ khả năng cách ly, sự tương đồng về điểm đi/đến (thủ đô, điểm cửa ngõ chính, điểm thứ cấp), Bộ GTVT đề xuất trong giai đoạn đầu mở đường bay Quảng Châu – Đà Nẵng; Tokyo – Hà Nội; Seoul – Hà Nội; Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) – TPHCM; Viên Chăn – Quảng Ninh; Phnom Pênh – Cần Thơ.

Trong giai đoạn đầu, Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo hãng hàng không khai thác với tần suất 1 chuyến/tuần/điểm đến nhằm sử dụng hiệu quả nhân lực (phi công, tiếp viên) đang thực hiện các chuyến bay quốc tế giải cứu công dân do Bộ Ngoại giao xây dựng. Sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và các bên tăng tần suất, số đường bay, Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các hãng hàng không tăng tần suất khai thác.

Khó khăn khi mở lại đường bay quốc tế

Bộ GTVT cho biết, hiện còn một số khó khăn khi khôi phục chuyến bay thương mại quốc tế khi đưa khách vào Việt Nam.

Cụ thể, theo quy định hiện tại, tổ bay sau khi phục vụ chuyến bay quốc tế phải đảm bảo cách ly tối thiểu 14 ngày mới được phép phục vụ chuyến bay nội địa. Vì vậy, sẽ là lãng phí lớn về nguồn nhân lực khi khôi phục hoạt động quốc tế thường lệ mới ở mức hạn chế.

Kế đó, từ ngày 29/6/2020, Bộ GTVT đã đóng một đường hạ cất cánh tại cả 2 Cảng HKQT Tân Sơn Nhất và Nội Bài để triển khai các dự án cải tạo đường cất hạ cánh, đường lăn. Năng lực khai thác tại mỗi cảng hàng không chỉ còn từ 60 – 70% so với khi khai thác đồng thời 2 đường hạ cất cánh. Trong giai đoạn thi công dự án, cả 2 cảng hàng không phải duy trì năng lực khai thác đảm bảo hoạt động của các chuyến bay nội địa và số lượng hạn chế các hoạt động quốc tế.

Như vậy, nếu tăng đột biến các chuyến bay quốc tế chở khách trong giai đoạn này sẽ tạo sự quá tải tại 2 cảng HKQT cửa ngõ của Việt Nam, ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ (chậm, hủy chuyến của các chuyến bay nội địa).

Mặt khác, việc thiết lập các chuyến bay thưởng lệ quốc tế trên cơ sở có đi có lại còn phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài.

Được biết, hiện nay, toàn bộ các Cảng hàng không quốc tế của Việt Nam đều đã được đưa vào khai thác bình thường. Trong đó, 2 Cảng hàng không quốc tế là Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang có các hoạt động vận chuyển hàng không quốc tế thường lệ và không thường lệ (chỉ vận chuyển khách từ Việt Nam đi, riêng hàng hoá vận chuyển 2 chiều).

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý khôi phục hoạt động vận chuyển hàng không giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tần suất, điều kiện vận chuyển hành khách giữa hai nước sẽ do Nhà chức trách hàng không Việt Nam -Trung Quốc thống nhất.

Thanh Hà (t/h)
Dẫn theo Nguồn: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/thu-tuong-trong-luc-nay-chua-the-mo-cua-ngay-cho-khach-du-lich-d14159.html