Tây Ninh công bố số liệu thống kê kinh tế, xã hội trong 6 tháng đầu năm 2024

Trong bối cảnh hoạt động kinh tế – xã hội trong và ngoài nước có nhiều chuyển biến phức tạp, có cả thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, tỉnh Tây Ninh đã triển khai nhiều giải pháp tạo bước đột phá để hoàn thành các mục tiêu kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021 – 2025 một cách nhanh chóng.

Nhờ sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đưa ra nhiều giải pháp kịp thời, đúng hướng, thống nhất từ Chính phủ đến chính quyền các cấp ở địa phương, sự đồng thuận và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh khởi sắc tích cực ở hầu hết các lĩnh vực.

Về mặt kinh tế, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) trong 6 tháng đầu năm 2024 đã tăng trưởng +7.90% so với cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp xây dựng tăng 11.02%, thương mại dịch vụ tăng 7.09%, nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 3.74%. Khu vực công nghiệp xây dựng có đóng góp nhiều nhất vào mức tăng trưởng, tiếp đó là thương mại dịch vụ và nông lâm nghiệp.

Họp báo cáo kết quả kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024.
Họp báo cáo kết quả kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2024.

Sản xuất nông nghiệp của tỉnh tuy đối mặt với nhiều rủi ro về thời tiết, sâu bệnh và chi phí cao nhưng vẫn có dấu hiệu khởi sắc nhờ giá lúa, mía, mì ổn định; khuyến khích người dân mở rộng diện tích gieo trồng. Cụ thể, diện tích và sản lượng lúa tăng nhanh nhờ tưới tiêu thuận lợi, tuy nhiên, diện tích trồng đậu phộng và rau, đậu, hoa cây cảnh giảm do hiệu quả kinh tế thấp và chi phí chăm sóc cao. Đối với cây lâu năm, diện tích trồng cao su giảm do thời tiết nắng nóng và đô thị hóa nhưng cây xoài và nhãn có sự tăng nhẹ về diện tích và sản lượng. Chăn nuôi có sự chuyển biến tích cực với số lượng đàn lợn và gia cầm tăng mạnh, nhờ các dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao, dự báo sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai.

Lâm nghiệp của tỉnh hiện đang vào đầu mùa mưa, các đơn vị đang tiến hành rà soát lại quỹ đất và vận động người dân tham gia nhận khoán đất trồng rừng. Thực hiện theo kế hoạch 2024, địa bàn đã trồng mới 707.8 ha, tăng 436 ha so với năm trước. Tổng diện tích rừng giao khoán bảo vệ ước đạt 66.491 ha, bao gồm rừng tự nhiên và rừng trồng đồng thời công tác quản lý rừng tập trung vào 73.273 ha đất quy hoạch ba loại rừng. Sản lượng gỗ khai thác 6 tháng đầu năm ước đạt 28.000 m³, tăng 1.49% so với cùng kỳ và sản lượng củi khai thác đạt 107.500 Ste, tăng 1.48%.

Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 7.538 tấn, giảm 0.51% so với cùng kỳ. Sản lượng nuôi trồng giảm 0.56% và sản lượng khai thác giảm 0.07%. Tuy nhiên, sản lượng giống thủy sản tăng 5.22%, đạt 24.40 triệu con.

Nông dân nuôi cá chạch lấu trên địa bàn xã Tân Bình, TP. Tây Ninh. Ảnh minh hoạ: X.V
Nông dân nuôi cá chạch lấu trên địa bàn xã Tân Bình, TP. Tây Ninh. Ảnh minh hoạ: X.V

Mặc dù kinh tế thế giới biến động nhưng chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn tăng 13.51% so với cùng kỳ nhờ năng lực mới và sản xuất ổn định hơn. Nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13.76%, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng cao nhất (+33.54%). Nhóm ngành khai khoáng giảm 13.04% do vùng khai thác bị thu hẹp. Nhóm ngành sản xuất, truyền tải và phân phối điện tăng 7.98% do nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Hoạt động dịch vụ hỗ trợ ngành công nghiệp cũng tăng 9.73%, hầu hết các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh đều tăng sản lượng, trừ xi măng giảm 3.39%.

Về mặt thu hút vốn đầu tư và phát triển, hiện tại tỉnh Tây Ninh có các vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 1.521 tỷ đồng, chỉ bằng 35.78% kế hoạch năm và giảm 17.83% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 1.314 tỷ đồng, giảm 16.23% và vốn ngân sách cấp huyện đạt 207 tỷ đồng, giảm 26.70%. Những vốn đầu tư phát triển đạt 19.599 tỷ đồng, tăng 7.60% so với cùng kỳ. Tỉnh Tây Ninh luôn triển khai nhiều kế hoạch thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thành quả đạt được trong 6 tháng đầu năm thu hút được 160.4 triệu USD, bằng 26.4% so với cùng kỳ với 11 dự án mới và 14 dự án tăng vốn. Tỉnh đã cấp giấy chứng nhận thành lập mới cho 357 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký 3.968,2 tỷ đồng, tăng 40.6% về vốn đăng ký.

Đối với lĩnh vực giao thông vận tải, doanh thu đạt 3.207 tỷ đồng, tăng 26.24% so với cùng kỳ. Khối lượng vận tải hành khách đạt đến 21.477 nghìn lượt, tăng 25.75% và vận tải hàng hóa đạt 10.053 nghìn tấn, tăng 9,33% so với cùng kỳ.

Hoạt động thương mại có nhiều tăng trưởng nhờ nhu cầu tiêu dùng của người dân và du khách, cùng với việc cung ứng ổn định các mặt hàng thiết yếu và các chương trình bình ổn thị trường, tổng mức bán lẻ hàng hóa 6 tháng đạt 46.022 tỷ đồng, tăng 11.34% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch và các dịch vụ khác đạt 12.492 tỷ đồng, tăng 10.74%.

Tây Ninh thu hút lượng du khách tăng mạnh những năm gần đây. Ảnh: T/h
Tây Ninh thu hút lượng du khách tăng mạnh những năm gần đây. Ảnh minh hoạ: T/h

Đối với tài chính, ngân hàng thì tổng thu ngân sách 6 tháng đạt 6.375 tỷ đồng (tăng 14,85%); tổng chi ngân sách đạt 4.991 tỷ đồng (giảm 2,70%); tổng nguồn vốn huy động ước đạt 67.700 tỷ đồng (tăng 2%) và tổng dư nợ tín dụng đạt 103.300 tỷ đồng (tăng 5% so với đầu năm với nợ xấu chiếm 0,8% tổng dư nợ).

Lĩnh vực xã hội cũng được tỉnh Tây Ninh đặc biệt quan tâm, triển khai nhiều chính sách. Tiêu biểu là đời sống và lao động được cải thiện với chính sách thực hiện Chương trình giảm nghèo và hỗ trợ người dân vào dịp Tết Nguyên đán; hỗ trợ cấp thẻ BHYT cho người nghèo và bảo trợ xã hội. Ngoài ra còn xây dựng và bàn giao 168 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, giúp giải quyết tình trạng thiếu việc làm cho 8.620 người lao động, tư vấn việc làm cho 10.884 người.

Đối với mặt giáo dục các cấp có tiến triển tốt với tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tăng cao. Y tế cũng thực hiện nghiêm ngặt các quy định nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tỷ lệ tai nạn giao thông tại tỉnh tuy vẫn còn cao nhưng không có tai nạn đường thủy. Những hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch được bảo tồn và tổ chức tốt, tổ chức nhiều chương trình cho người dân trong và ngoài địa bàn tỉnh tham dự.

Tổng kết trong 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh Tây Ninh về hoạt động kinh tế – xã hội đều đang có nhiều bước chuyển tốt, dần đạt được các chỉ tiêu đã đề ra trong Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021 – 2025.

Ngọc Hiếu – Thiên Hồng

Dẫn theo nguồn: https://suckhoeviet.org.vn/tay-ninh-cong-bo-so-lieu-thong-ke-kinh-te-xa-hoi-trong-6-thang-da-u-nam-2024-13207.html?utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo&zarsrc=10