Nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm chỉ huy giao thông trong bảo đảm TTATGT đường bộ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh

(Đặc san PTKTXH số (2)18/2022) – Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) – Trung tâm kinh tế, xã hội lớn có vị trí và vai trò rất quan trọng, là đầu tàu, đô thị hạt nhân Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Với vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở điểm giao nối giữa miền Tây Nam Bộ và miền Đông Nam Bộ, TPHCM trở thành cửa ngõ giao thương và đầu mối giao thông lớn nhất cả nước. Trên địa bàn tập trung số lượng lớn các khu chế xuất, cụm công nghiệp và các trường Đại học, Cao đẳng… nên lượng người tham gia giao thông luôn ở mức cao. Hiện nay, Thành phố có hơn 09 triệu người sinh sống và làm việc, số lượng phương tiện đạt gần 8,5 triệu xe cơ giới (với hơn 7,6 triệu xe môtô và hơn 0,8 triệu xe ôtô; trung bình mỗi ngày có khoảng hơn 1.000 phương tiện đăng ký mới, trong đó xu hướng đăng ký xe ô tô ngày càng nhiều); chưa kể số người, phương tiện từ địa phương khác đến lưu trú, ra vào thành phố hoạt động hàng ngày (khoảng trên 01 triệu phương tiện các loại)[1]. Trong suốt quá trình phát triển, TPHCM đã phải đối mặt với những thách thức lớn, tốc độ đô thị hóa nhanh làm gia tăng mạnh về phương tiện và dân số, trong khi hạ tầng giao thông đô thị không phát triển tương xứng. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông (UTGT), tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn. Trước tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) diễn biến ngày càng phức tạp, ngày 04/10/2002 Chủ tịch Ủy ban nhân dân TPHCM quyết định thành lập Trung tâm Điều khiển đèn tín hiệu giao thông (tiền thân của Trung tâm chỉ huy giao thông ngày nay), giao cho Công an Thành phố (CATP) trực tiếp tổ chức quản lý, điều hành và khai thác sử dụng, trong đó Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (PC08) là đơn vị được CATP giao trực tiếp quản lý, khai thác sử dụng.

Trung tâm chỉ huy giao thông đặt tại trụ sở Phòng PC08, số 341 Trần Hưng Đạo, Phường Cầu Kho, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh; là một trong những trung tâm được thành lập đầu tiên trong cả nước với các chức năng chính là ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác của lực lượng CSGT: Thông qua hệ thống camera quan sát giao thông trên địa bàn, kịp thời ghi nhận tình hình TTATGT tại các vị trí giao thông trọng điểm, các vị trí thường xuyên xảy ra UTGT để kịp thời giải toả. Ghi hình, thu thập dữ liệu phục vụ việc xử lý vi phạm qua hình ảnh các hành vi vi phạm về TTATGT đường bộ. Phối hợp với các đơn vị liên quan trong giải quyết và xử lý các vấn đề phát sinh về ùn tắc giao thông. Kết nối, chia sẻ dữ liệu hệ thống camera quan sát, giám sát xử lý vi phạm với các đơn vị trong và ngoài ngành trong công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn Thành phố (Hiện tại, Phòng PC08 đang chia sẻ, kết nối với Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị thuộc Sở Giao thông vận tải trên 500 camera quan sát giao thông, giám sát xử lý vi phạm).

Trải qua quá trình hoạt động, Trung tâm chỉ huy giao thông đã đạt được nhiều hiệu quả và đóng vai trò to lớn trong công tác bảo đảm TTATGT, cụ thể như sau:

Thứ nhất, nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo; kịp thời xử lý, điều phối lực lượng giải quyết nhanh chóng các vụ việc, tình huống liên quan đến trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc gia.

Thứ hai, theo dõi, giám sát tình hình lưu lượng phương tiện tham gia giao thông, phát hiện vụ việc tai nạn, sự cố dẫn đến ùn ứ trên tuyến, địa bàn. Từ đó, đề ra các phương án dẫn đoàn, chỉ huy, điều khiển giao thông tối ưu nhất; đề xuất biện pháp xử lý kịp thời đối với các vụ việc phức tạp liên quan đến an ninh chính trị, TTATGT. Thông qua công tác xử lý vi phạm qua hình ảnh đã góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông trên địa bàn Thành phố; trong năm 2021, Thành phố không xảy ra ùn tắc giao thông, tình trạng UTGT đến nay đã giảm rõ rệt so với những năm trước; TNGT tiếp tục giảm trên cả 03 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương)[2].

Thứ ba, vận hành hệ thống giám sát và xử lý vi phạm về TTATGT trên các tuyến đường chính, trọng điểm, phức tạp để theo dõi, giám sát hoạt động giao thông, phục vụ tốt cho công tác bảo đảm TTATGT và đấu tranh phòng chống tội phạm. Thông qua hệ thống giám sát và xử lý vi phạm về TTATGT giúp cho CSGT kiểm tra, xử lý đối với người vi phạm hiệu quả hơn, đồng thời, giảm được áp lực về con người thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Theo thống kê Phòng PC08, từ 2017 đến năm 2021, đã trích xuất gửi thông báo 337.858 trường hợp, đã có 88.509 trường hợp thực hiện quyết định (đạt 26,22%), thu vào kho bạc Nhà nước trên 76,02 tỷ đồng[3].

Thứ tư, phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ Điều hành giao thông; tiếp tục duy trì hoạt động hệ thống camera quan sát giao thông trên địa bàn Thành phố; tiếp nhận thông tin từ Đài phát thanh VOV, VOH, Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị, nhóm mạng xã hội viber, điện thoại đường dây nóng từ phản ánh của người dân. Từ 2017 đến 2021, Trung tâm chỉ huy giao thông đã tiếp nhận hơn 7.000 tin báo về TTATGT và phối hợp với các đơn vị chức năng giải quyết kịp thời không để ùn tắc giao thông lây lan kéo dài. Khi xảy ra các vụ việc ùn ứ giao thông, Tổ Điều hành giao thông đã nhanh chóng phối hợp với các đơn vị triển khai lực lượng CSGT có mặt để xử lý, điều tiết, phân luồng giao thông, không để ùn ứ kéo dài, phát sinh phức tạp[4].

Thứ năm, triển khai ứng dụng các phần mềm tin học góp phần cải cách hành chính trong phục vụ công tác như: Phần mềm “Trích xuất và lập hồ sơ vi phạm qua hình ảnh”, phần mềm “Xử lý vi phạm hành chính”, phần mềm “Quản lý dữ liệu thanh lý phương tiện cơ giới đường bộ”, phần mềm “Quản lý dữ liệu tai nạn giao thông đường bộ”, Phần mềm “Quản lý văn bản”… Thông qua việc phân tích các nguồn dữ liệu từ những phần mềm tin học trên, tham mưu cho Ban Chỉ huy Phòng, Ban Chỉ huy Đội – Trạm trực thuộc Phòng nhanh chóng nắm bắt tình hình công tác đảm bảo TTATGT; để kịp thời theo dõi và có giải pháp quản lý địa bàn đảm trách đạt hiệu quả cao. Các phần mềm này đều do chính CBCS trong Phòng nghiên cứu, lập trình và triển khai thực hiện trong tất cả các đơn vị Đội, Trạm thuộc Phòng. Thông qua các phần mềm tin học ứng dụng đã góp phần giúp cải cách thủ tục hành chính, công tác tiếp dân được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả hơn, rút ngắn thời gian của người dân khi đến giải quyết các thủ tục hành chính, mặt khác, giúp cho lực lượng CSGT kịp thời tra cứu, phân tích thông tin về bảo đảm TTATGT được chính xác, chặt chẽ.

Trong những năm qua, PC08 Công an TPHCM đang từng bước đẩy mạnh ứng dụng khoa hoạc công nghệ vào các mặt công tác nghiệp vụ để phục vụ tốt công tác quản lý Nhà nước về TTATGT, trong đó Trung tâm chỉ huy giao thông đang ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của mình. Với các kết quả đã đạt được nói trên, Trung tâm đã góp phần không nhỏ vào công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình hoạt động, Trung tâm chỉ huy giao thông cũng gặp một số khó khăn cụ thể như sau:

Về cơ sở vật chất: Trung tâm chỉ huy giao thông đã được đầu tư xây dựng cách đây khá lâu (gần 20 năm), đang dần xuống cấp, không thể mở rộng; hệ thống camera quan sát công nghệ còn lạc hậu, chưa được đầu tư nâng cấp mới; hệ thống giám sát của Trung tâm chỉ huy giao thông Phòng PC08 chủ yếu được chia sẻ kết nối từ các đơn vị ngoài ngành. Các nguồn cơ sở dữ liệu đang trong quá trình xây dựng; dữ liệu chưa kết nối được giữa Phòng PC08 và các đơn vị CSGT cấp huyện; đường truyền chưa ổn định (mặc dù đã được nâng cấp) nên việc khai thác, sử dụng còn hạn chế.

Về cơ sở pháp lý buộc chấp hành xử phạt vi phạm qua hệ thống giám sát về TTATGT: Chưa có quy định “chế tài” mang tính tổng thể, chặt chẽ, toàn diện (hiện tại, chỉ có quy định ngăn chặn đăng kiểm đối với ô tô) nên việc áp dụng xử phạt vi phạm qua hệ thống giám sát về TTATGT gặp một số khó khăn, vướng mắc như: việc xác định, truy nguyên người điều khiển phương tiện vi phạm; áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước Giấy phép lái xe khi chủ phương tiện xử phạt thay người điều khiển phương tiện vi phạm; đặc biệt đối với xe môtô, xe gắn máy chưa có quy định “chế tài” cụ thể (do không phải thực hiện quy định về đăng kiểm định kỳ như ô tô).

Từ những kết quả đạt được và khó khăn nêu trên, nhằm phát huy hiệu quả Trung tâm chỉ huy giao thông, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về TTATGT trên địa bàn TPHCM, chúng tôi kiến nghị thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, xây dựng hoàn thiện Trung tâm chỉ huy giao thông thuộc Phòng PC08 theo hướng hiện đại, có khả năng đồng bộ, tích hợp nhiều hệ thống khác nhau. Hiện tại, Phòng PC08 đang tham mưu CATP triển khai thực hiện Dự án thành phần số 3 thuộc Đề án 165 “Nâng cấp Trung tâm thông tin chỉ huy và lắp đặt hệ thống camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự, xử lý vi phạm cho Phòng CSGT đường bộ – đường sắt Công an thành phố Hồ Chí Minh”. Trong đó tập trung hoàn thiện tòa nhà Trung tâm chỉ huy giao thông hoàn toàn mới với quy mô 08 tầng và 01 tầng bán hầm với diện tích mỗi sàn 1.000m2 cùng với một số công trình phụ trợ như nhà bảo vệ, nhà để xe cho khách, nhà kho vật tư… cải thiện hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại đáp ứng tốt nhu cầu hiện tại và xu hướng phát triển trong tương lai, phù hợp với Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh”. Hệ thống cần cải thiện bao gồm: Hệ thống thu thập dữ liệu; Trung tâm dữ liệu; Trung tâm khai thác dữ liệu; Xây dựng hệ thống mạng truyền dẫn cáp.

Hai là, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân sự công nghệ thông tin phục vụ khai thách hiệu quả Trung tâm chỉ huy giao thông. Quan tâm xây dựng nguồn nhân lực công nghệ thông tin đủ số lượng, phẩm chất, năng lực làm chủ công nghệ, có kỹ năng, kiến thức, đáp ứng kịp thời nhu cầu xây dựng chính quyền điện tử trong tương lai. Có chế độ đãi ngộ xứng đáng để thu hút nguồn nhân sự trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đủ tiêu chuẩn chính trị phục vụ trong Ngành. Quan tâm đề xuất thực hiện chế độ chính sách đối với CBCS làm công tác chuyên trách công nghệ thông tin phù hợp với quy định nhằm tạo điều kiện, động viên, khuyến khích phát huy trí tuệ của CBCS cống hiến cho Ngành.

Ba là, đề xuất các cơ quan chức năng hoàn thiện hệ thống pháp luật về TTATGT. Chủ động tham mưu cho Ban Giám đốc Công an Thành phố quan tâm nghiên cứu, xây dựng hệ thống pháp luật về TTATGT thật sự đồng bộ, chặt chẽ, có tính dự báo cao, đặc biệt là coi trọng ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý Nhà nước về TTATGT trên địa bàn.  Nghiên cứu bổ sung quy trình xử lý vi phạm qua hệ thống giám sát về TTATGT, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để tăng hiệu quả xử phạt và tính nghiêm minh của pháp luật.  Nghiên cứu, xây dựng phần mềm tích hợp để cá nhân, tổ chức có thể nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính trực tuyến (đối với hình thức xử lý vi phạm qua hình ảnh) thông qua hệ thống ngân hàng, nhằm nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ trong công tác xử phạt hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Bốn là, tăng cường mối quan hệ phối hợp giữ Trung tâm chỉ huy giao thông và các đơn vị trong và ngoài ngành có liên quan trong hoạt động đảm bảo TTATGT. Xây dựng cơ chế phối hợp giữ Trung tâm với các đơn vị như Sở Giao thông vận tải, Đài phát thanh, Đài truyền hình… để thông tin kịp thời và có biện pháp phối hợp nhanh chóng khi phát hiện các sự cố về giao thông. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tuyên truyền cho người dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về hình thức, biện pháp phát hiện và xử lý thông qua Trung tâm chỉ huy giao thông để người dân tự giác nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.

Thượng tá Nguyễn Đình Dương

Trưởng phòng PC08 CATP Hồ Chí Minh

 

Tài liệu tham khảo:

  1. PC08 Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Báo cáo công tác điều tra cơ bản năm 2021, Thành phố Hồ Chí Minh, 2021.
  2. PC08 Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Báo cáo công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông từ năm 2017 đến năm 2021, Thành phố Hồ Chí Minh.

[1] PC08 Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Báo cáo công tác điều tra cơ bản năm 2021, TPHCM, 2021.

[2] PC08 Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Báo cáo công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông từ năm 2017 đến năm 2021, Thành phố Hồ Chí Minh

[3] PC08 Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Báo cáo công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông từ năm 2017 đến năm 2021, Thành phố Hồ Chí Minh

[4] PC08 Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Báo cáo công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông từ năm 2017 đến năm 2021, Thành phố Hồ Chí Minh