Hội nghị hợp tác – phát triển y dược học cổ truyền Việt Nam

Sáng ngày 10/7, tại Hà Nội, Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế – Xã hội đã tổ chức Hội nghị với chủ đề: “Hợp tác phát triển Y dược Cổ truyền Việt Nam” nhằm thảo luận về kế thừa, phát huy, phát triển Y dược Cổ truyền Việt Nam, tăng cường hiểu biết, trao đổi và hợp tác để có những đóng góp tích cực trong việc phát huy, phát triển Y học Cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe nhân dân bằng Y học Cổ truyền của Việt Nam cũng như gắn với công tác xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững từ cây dược liệu thuốc Nam Việt Nam.

Tham dự Hội nghị có các đại diện lãnh đạo Viện, các trung tâm trực thuộc Viện, các cơ quan báo chí, các bác sỹ, lương y, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lĩnh vực y dược cổ truyền và các đơn vị liên quan.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Y tế rất quan tâm đến lĩnh vực y dược cổ truyền, ban hành nhiều văn bản, chỉ thị, nghị quyết: Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 04/7/2008 của Ban Bí thư về phát triển nền đông y và Hội đông y trong tình hình mới; Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới; Quyết định 2166/QĐ-TTg ngày 31/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ; Đặc biệt là Quyết định số 1893/QD-TTg ngày 25/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại đến năm 2030 và nhiều văn bản khác.

Nhằm thực hiện có hiệu quả về chủ trương, chính sách của Đảng và sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với phát triển y dược cổ truyền và phát huy được lợi thế của Y dược Cổ truyền Việt Nam, Hội nghị cũng là cơ hội lớn cho các nhà khoa học, các đồng nghiệp tăng cường hiểu biết, trao đổi và hợp tác để có những đóng góp tích cực trong việc phát huy, phát triển Y học Cổ truyền Việt Nam trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tại Hội nghị, bên cạnh các tham luận, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận tìm giải pháp để đẩy mạnh nghiên cứu hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật làm công cụ đo lường, đặc biệt là trong lĩnh vực dược liệu, chuẩn hóa thuật ngữ của y học cổ truyền làm cơ sở đánh giá khi triển khai nghiên cứu ứng dụng trên lâm sàng, giữ được tính đặc thù trong y học cổ truyền, đáp ứng với hội nhập quốc tế.

Các đại biểu chú trọng nghiên cứu ứng dụng phát triển chuỗi sản phẩm chất lượng cao từ dược liệu và bài thuốc phục vụ điều trị, chăm sóc sức khỏe con người đáp ứng nhu cầu trong nước và tiến tới xuất khẩu. Nêu ra những khó khăn, những điểm mạnh điểm yếu về trồng cây dược liệu, bảo tồn và phát triển cây thuốc nam của Việt Nam. Đặc biệt, hội nghị cũng nêu ra các biện pháp để  đẩy mạnh thiết lập mô hình kết hợp tăng cường liên kết 5 nhà (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý và nhà băng); liên kết giữa các địa phương, các vùng. Thúc đẩy vùng chuyên canh quy mô lớn để áp dụng quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, công nghệ cao vào nuôi trồng trong nghiên cứu phát triển sản phẩm bảo vệ sức khỏe.

Tại hội Nghị, Các nhà khoa học cũng đã cùng thảo luận, đưa ra các giải pháp sâu chuỗi các quy trình sản xuất – ứng dụng thuốc Y học cổ truyền , đảm bảo chất lượng ngày càng được cải tiến nhưng vẫn mang lại hiệu quả về kinh tế.

Hội nghị cũng đã đưa ra các giải pháp về tăng cường thông tin, tuyên truyền về việc sử dụng dược liệu, y dược cổ truyền, nâng cao nhận thức, vận động người dân khai thác hợp lý đi đôi với bảo tồn nguồn tài nguyên dược liệu; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm của các nước; thúc đẩy đổi mới sáng tạo khởi nghiệp trong lĩnh vực dược liệu.

Ở các địa phương, đặc biệt là các tỉnh trọng điểm, cần xây dựng quy hoạch, kế hoạch để triển khai kịp thời các đề án, dự án trong quy hoạch; bố trí diện tích phù hợp để nuôi trồng, đặc biệt chú trọng đến các loại dược liệu thế mạnh của địa phương; tạo mọi điều kiện thuận lợi, trước mắt là về thủ tục hành chính và có chính sách hỗ trợ cần thiết đối với các dự án phát triển nuôi trồng dược liệu.

Cùng với đó, phải đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị. Tăng cường bào chế, chế biến dược liệu và quảng bá mạnh mẽ. Phát triển dược liệu phải gắn với nhu cầu thị trường.

Hội nghị cũng đặt vấn đề cần mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế đối với việc sử dụng dược liệu và thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu; có cơ chế đặc thù thanh toán cho thuốc nam, dược liệu tươi dùng trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; khuyến khích việc khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền; đơn giản hóa thủ tục thanh toán, thuận lợi cho người bệnh sử dụng kết hợp thuốc đông y và thuốc tây y tại các tuyến; có chính sách đặc thù trong đấu thầu mua dược liệu, thuốc cổ truyền sản xuất từ dược liệu trong nước theo tiêu chuẩn quy định.

Tại hội nghị, Ban lãnh đạo Viện đã biểu dương những thành tích hoạt động của các thành viên, các trung tâm trực thuộc Viện trong phát triển và ứng dụng Y học Cổ truyền trong công tác khám chữa bệnh. Tiêu biểu là các hoạt động nghiên cứu, bào chế các sản phẩm mới và hoạt động khám chữa bệnh thiện nguyện của các đơn vị trực thuộc Viện.

Phát biểu tại hội nghị, Ông Chúc Kim Vinh – Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội, chủ trì hội nghị đã nêu rõ: “Trong thời gian qua, cùng với sự phát triển của nền Y học hiện đại, công tác khám chữa bệnh (KCB) bằng Y học cổ truyền (YHCT) ở nước ta ngày càng phát triển. Qua đó, góp phần khẳng định được vị trí, tầm quan trọng của YHCT đối với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Đặc biệt theo WHO, trên 80% dân số thế giới sử dụng Y học Cổ truyền, đặc biệt là sử dụng các sản phẩm từ dược liệu, kể cả các nước phát triển. Ở Việt Nam, thuốc từ cây dược liệu trong nước chiếm ít nhất 30%. Tuy nhiên, các loại dược liệu rất quý hiếm, đa dạng và phong phú về chủng loại nhưng đang bị khai thác cạn kiệt. Do đó, công tác bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu tại Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng. Chúng ta cần đưa ra những  mục tiêu, giải pháp cụ thể về việc bảo tồn và phát triển cây thuốc quý tại địa phương. Trong đó, tập trung vào việc xây dựng, đề xuất cơ chế – chính sách khuyến khích, phát triển nguồn dược liệu phù hợp với thế mạnh của địa phương đồng thời đáp ứng phục vụ nhu cầu về thuốc trong phòng bệnh và chữa bệnh cho nhân dân; xây dựng các vườn cây thuốc Nam tại tuyến xã; hướng người dân phát triển trồng, sử dụng cây thuốc bản địa;… Có thể nói kho tàng dược liệu Việt Nam là vô giá và tất cả 63 tỉnh, thành đều có thể phát triển được dược liệu. Dược liệu không chỉ góp phần xóa đói giảm nghèo mà còn giúp làm giàu nếu biết tổ chức và quản lý tốt. Ngoài ra phải chú trọng tất cả các khâu trong nghiên cứu: từ chứng minh tác dụng trên thực nghiệm, trên lâm sàng đến đánh giá an toàn, hiệu quả của sản phẩm nghiên cứu để ứng dụng thực tiễn trên lâm sàng; tăng cường tính chủ động của các đơn vị trong hệ thống Y dược Cổ truyền trong hoạt động nghiên cứu khoa học, củng cố nâng cao trình độ và năng lực nghiên cứu của các nhà khoa học để chuyên môn hóa trong hoạt động nghiên cứu khoa học lĩnh vực Y dược Cổ truyền.

Hội nghị đã kết nối hợp tác các nhà khoa học, nhà nghiên cứu với các nhà máy sản xuất, bào chế thuốc đông y liên kết với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Thông qua hội nghị, các nhà khoa học, các lương y đã được tăng cường hiểu biết, trao đổi và hợp tác để có những đóng góp tích cực trong việc phát huy, phát triển Y học cổ truyền trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân./.

Một số hình ảnh tại buổi Hội thảo:

 

Theo: Chúc Kim Vinh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội