Giám định tư pháp là hoạt động bổ trợ tư pháp, là công cụ quan trọng, phục vụ đắc lực cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, góp phần giải quyết các vụ án được chính xác, khách quan, đúng pháp luật. Vì thế, để kịp thời phục vụ cho việc thực hiện Bộ luật Hình sự năm 1987, ngày 21/7/1988, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Nghị định số 117/HĐBT về giám định tư pháp. Tiếp đó, ngày 29/9/2004, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Giám định tư pháp, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2005.
Ngày 20/6/2012, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã thông qua Luật Giám định tư pháp. Ngày 02/7/2012, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Lệnh công bố Luật Giám định tư pháp có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013.
Sau hơn 10 năm thi hành Luật Giám định tư pháp năm 2012, công tác giám định tư pháp đã đạt được nhiều kết quả. Hệ thống tổ chức giám định tư pháp trong các lĩnh vực: pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự ở Trung ương và địa phương đã được củng cố, kiện toàn, cụ thể là: đã thành lập Viện Pháp y Quốc gia, 44 Trung tâm Pháp y, 17 Phòng giám định pháp y cấp tỉnh; Viện giám định Pháp y tâm thần Trung ương thuộc Bộ Y tế, 28 Trung tâm giám định pháp y tâm thần; Viện Khoa học hình sự thuộc Bộ Công an tiếp tục phát triển là tổ chức đầu ngành, làm nòng cốt cho việc kiện toàn các Phòng kỹ thuật hình sự ở Công an cấp tỉnh. Đội ngũ giám định viên tư pháp đã được tăng cường, tính đến nay đã có gần 4.000 giám định viên trên các lĩnh vực được cấp thẻ giám định viên tư pháp. Cơ sở vật chất, phương tiện công tác và các điều kiện cần thiết khác phục vụ cho hoạt động giám định đã được chú trọng, đầu tư. Công tác quản lý Nhà nước về giám định tư pháp bước đầu được đổi mới phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Hoạt động giám định tư pháp đã góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, kết luận giám định khách quan, đúng đắn giúp cho việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án được nghiêm minh, đúng pháp luật, hạn chế oan sai. Giám định tư pháp còn là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo, người bị hại, các bên đương sự trong các vụ án hình sự, dân sự, hành chính, góp phần quan trọng bảo đảm trật tự an toàn xã hội, ổn định và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, Luật Giám định tư pháp năm 2012 cũng đã bộc lộ nhiều bất cập trước những yêu cầu mới của đời sống xã hội, của hoạt động tố tụng. Trước yêu cầu thực tiễn của công tác giám định tư pháp và nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế về giám định tư pháp, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đồng thời thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám định tư pháp, bảo đảm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng nói chung và trong giải quyết án tham nhũng, kinh tế nói riêng, ngày 10/6/2020, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2012. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021. Luật Giám định tư pháp năm 2020 (sau đây gọi là Luật năm 2020) quy định về giám định viên tư pháp; tổ chức giám định tư pháp; người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; hoạt động giám định tư pháp; chi phí giám định tư pháp, chế độ, chính sách trong hoạt động giám định tư pháp và trách nhiệm của cơ quan Nhà nước đối với tổ chức, hoạt động giám định tư pháp (tại Điều 1).
Trong thực tiễn hoạt động tố tụng hình sự, nhiều vụ việc cần trưng cầu giám định trước khi khởi tố vụ án và kết luận giám định đó được sử dụng làm căn cứ khởi tố, điều tra và giải quyết vụ án; tuy nhiên Luật Giám định tư pháp năm 2012 (sau đây gọi là Luật năm 2012) không có quy định này (mà chỉ đề cập đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự…). Vì vậy, Luật năm 2020 đã đưa ra cụm từ “khởi tố” trước cụm từ “điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự…”.
Như vậy, giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật này (tại Điều 2)
Người trưng cầu giám định bao gồm cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Cá nhân, tổ chức giám định tư pháp bao gồm giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp công lập, tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc. Quán triệt Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 là: “Nhà nước cần đầu tư cho một số lĩnh vực giám định để đáp ứng yêu cầu thường xuyên của hoạt động tố tụng. Thực hiện xã hội hoá đối với các lĩnh vực có nhu cầu giám định không lớn, không thường xuyên”, Luật Giám định tư pháp năm 2020 quy định có 02 loại tổ chức giám định tư pháp, đó là: tổ chức giám định tư pháp công lập và tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập.
Giám định viên tư pháp là người đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 7 của Luật năm 2020, được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm để thực hiện giám định tư pháp.
Người giám định tư pháp theo vụ việc là người đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 18 và Điều 20 của Luật năm 2020, được trưng cầu, yêu cầu giám định.
Tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc là cơ quan, tổ chức đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 19 và Điều 20 của Luật năm 2020, được trưng cầu, yêu cầu giám định.
Riêng đối với người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong các lĩnh vực: pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự thì ngoài các tiêu chuẩn trên còn phải có Chứng chỉ đã được bồi dưỡng nghiệp vụ giám định. Đây là quy định mới của Luật so với Pháp lệnh. Sở dĩ có quy định này do: đặc thù của hoạt động giám định tư pháp trong các lĩnh vực này là người có chuyên môn về y tế hay kỹ thuật hình sự cũng chưa thể thực hiện giám định được theo yêu cầu
Ví dụ: khi có một vết thương trên một người, một bác sĩ bình thường thì chỉ quan tâm đến vết thương đó có độ dài, rộng, nông, sâu như thế nào? Còn giám định viên pháp y cần ngoài việc xác định độ dài, rộng, nông, sâu cần phải xác định vết thương đó do vật nào gây nên, cơ chế tổn thương như thế nào để làm cơ sở cho việc điều tra, giải quyết vụ án.
Một điểm mới nữa trong quy định của Luật năm 2020 về tiêu chuẩn của giám định viên pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự là: đối với người đã trực tiếp giúp việc trong hoạt động giám định ở tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự thì thời gian hoạt động thực tế chuyên môn chỉ cần từ đủ 03 năm trở lên (không phải 05 năm) cũng được xem xét bổ nhiệm giám định viên tư pháp.
Như vậy, Luật Giám định tư pháp năm 2020 đã tháo gỡ những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới mang tính đột phá, bền vững cho hoạt động giám định tư pháp ở nước ta, góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động tố tụng mà trọng tâm là bảo đảm việc phán quyết của toà án được kịp thời, khách quan, đúng pháp luật. Cùng với Luật giám định tư pháp thì các văn bản pháp luật về tố tụng như Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính cũng có quy định về hoạt động giám định tư pháp. Tuy nhiên, Luật giám định tư pháp là văn bản chuyên ngành quy định về hoạt động giám định tư pháp, quy định cụ thể về trình tự, thủ tục giám định làm cơ sở pháp lý cho việc trưng cầu và thực hiện giám định, để hoạt động giám định tư pháp được hiệu quả, minh bạch, khách quan; còn pháp luật tố tụng hiện hành chỉ quy định nguyên tắc các vấn đề liên quan đến giám định tư pháp mà không quy định cụ thể về trình tự, thủ tục giám định tư pháp như: (1) Hồ sơ giám định, (2) Văn bản trưng cầu giám định, (3) Văn bản kết luận giám định, (4) Việc giao nhận đối tượng giám định, (4) Quyền và nghĩa vụ cụ thể của người giám định tư pháp khi thực hiện giám định, (5) Kết luận giám định … Do đó, Luật giám định tư pháp là cần thiết và không thể thiếu trong hoạt động giám định tư pháp.
Hoạt động giám định tư pháp là hoạt động chuyên môn phục vụ yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng thuộc trách nhiệm quản lý của tất cả các Bộ, ngành. Để nâng cao hiệu quả trong quản lý Nhà nước về giám định tư pháp hiện nay, Luật quy định về cơ quan quản lý Nhà nước về giám định tư pháp; nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp với trách nhiệm giúp Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước; đề cao và làm rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành chủ quản, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc thực hiện quản lý Nhà nước về giám định tư pháp, đặc biệt là các Bộ, ngành chịu trách nhiệm trước Chính phủ về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp thuộc lĩnh vực quản lý. Đồng thời, Luật bổ sung quy định mới về trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng đối với hoạt động giám định tư pháp (cơ quan điều tra, Toà án, Viện kiểm sát), tạo ra cơ chế cộng đồng trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước với các cơ quan tiến hành tố tụng trong hoạt động giám định tư pháp.
Luật Giám định tư pháp đặt ra những nhiệm vụ mới trong công tác quản lý Nhà nước về giám định tư pháp, đòi hỏi phải tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám định tư pháp, đáp ứng tốt yêu cầu của hoạt động tố tụng, góp phần thực thi có hiệu quả chủ trương tăng cường tranh tụng tại phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp của Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị. Để triển khai thực hiện có hiệu quả Luật giám định tư pháp, cần thực hiện tốt nhiệm vụ cụ thể sau:
Một là, tiếp tục bổ sung hoặc ban hành quy định mới, văn bản hướng dẫn về giám định tư pháp ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý đã được giao theo quy định của Luật Giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn, có liên quan, nhất là về quy trình giám định (trong đó xác định rõ trình tự, thủ tục, các bước, phương pháp, quy chuẩn chuyên môn áp dụng, thời hạn, thông tin, tài liệu cần thiết cho việc thực hiện giám định đối với từng lĩnh vực chuyên môn) bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và tính chất đặc thù, thực tế của từng lĩnh vực; nghiên cứu, hướng dẫn việc kết luận giám định rõ ràng, cụ thể về nội dung chuyên môn của vấn đề cần giám định;
Hai là, căn cứ nhu cầu giám định thực tế của hoạt động tố tụng, tiến hành rà soát, củng cố, tăng cường chất lượng, số lượng đội ngũ người làm giám định tư pháp ở lĩnh vực chuyên môn thuộc thẩm quyền quản lý ngành, trong đó cần quan tâm tổ chức, tăng cường hơn nữa chất lượng, hiệu quả của việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp lý và nghiệp vụ giám định cho đội ngũ giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc hoặc các công chức, viên chức làm giám định; rà soát, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý để đáp ứng kịp thời, chất lượng yêu cầu của hoạt động tố tụng…
Ba là, bảo đảm kinh phí, trang thiết bị, phương tiện, thời gian và điều kiện cần thiết khác cho công chức, viên chức và người lao động thuộc thẩm quyền quản lý được cử, phân công làm giám định hoàn thành kịp thời, có chất lượng nhiệm vụ của mình; thường xuyên rà soát, chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ giám định theo thẩm quyền được phân công;
Bốn là, hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc đánh giá chất lượng hoạt động của cá nhân, tổ chức giám định tư pháp thuộc thẩm quyền quản lý; có chính sách thu hút các chuyên gia, tổ chức chuyên môn có năng lực tham gia hoạt động giám định; kịp thời động viên, tôn vinh, khen thưởng kịp thời cá nhân, tổ chức làm giám định đã hoàn thành tốt nhiệm vụ giám định hoặc đóng góp tích cực, tham gia có hiệu quả vào hoạt động giám định tư pháp ở lĩnh vực chuyên môn thuộc thẩm quyền quản lý của mình;
Năm là, tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra công tác giám định tư pháp và kịp thời có giải pháp khắc phục, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong tổ chức, hoạt động, quản lý giám định tư pháp ở lĩnh vực chuyên môn thuộc thẩm quyền quản lý hoặc đề xuất, kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết;
Sáu là, kiểm tra, thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo về giám định tư pháp theo thẩm quyền; thường xuyên kiểm tra, đánh giá về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp theo quy định tại khoản 6 Điều 40 của Luật năm 2020.
Bảy là, báo cáo Bộ Tư pháp về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp, đồng thời gửi bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan để thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước quy định tại các điều 40, 41 và 42 của Luật năm 2020. So với Luật năm 2012, Luật năm 2020 đã bổ sung thêm nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Công an như: ban hành chỉ tiêu thống kê, thực hiện thống kê hằng năm về giám định tư pháp trong hệ thống cơ quan điều tra trong Công an nhân dân; hằng năm, tổng kết và gửi báo cáo về Bộ Tư pháp, bộ, ngành có liên quan về vấn đề này; chỉ đạo Công an cấp tỉnh gửi báo cáo về Sở Tư pháp, đồng thời gửi sở, ngành có liên quan về chế độ thống kê, báo cáo về giám định tư pháp; lập dự toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp kinh phí bảo đảm chi trả kịp thời, đầy đủ chi phí giám định tư pháp.
Hoạt động giám định tư pháp đã phục vụ ngày càng tốt hơn cho hoạt động tố tụng, chất lượng công tác giám định có sự chuyển biến mạnh, góp phần quan trọng vào việc giải quyết các vụ án được chính xác, khách quan, đúng pháp luật.
Trong thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với công tác giám định tư pháp, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám định tư pháp; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đối với công tác giám định tư pháp. Thực tiễn chứng minh công tác giám định tư pháp nói chung và giám định tư pháp về kỹ thuật hình sự nói riêng ngày càng có vị trí, vai trò quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, trước hết là trong điều tra, truy tố, xử lý tội phạm. Các kết luận giám định là chứng cứ góp phần giải quyết nhanh chóng vụ án, vụ việc được chính xác, theo quy định của pháp luật. Bởi kết luận giám định là nguồn chứng cứ, do vậy có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả điều tra, truy tố, xét xử. Trong nhiều trường hợp, kết luận giám định là nguồn chứng cứ duy nhất để chứng minh tội phạm, xác định nguyên nhân vụ việc. Thông qua công tác giám định, lực lượng kỹ thuật hình sự đã phát hiện nhiều phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm, kip thời thông báo cho các đơn vị chức năng đề ra phương án đấu tranh phù hợp. Từ đó, nghiên cứu tìm ra các giải pháp nghiệp vụ, phục vụ hiệu quả công tác giám định và đấu tranh phòng, chống tội phạm. Trong thời gian tới, công tác giám định tư pháp cần được các ngành, các cấp tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện các giải pháp đồng bộ. Trong đó, tăng cường trách nhiệm, phối hợp của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đối với công tác giám định tư pháp nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Đặng Thị Hương Quỳnh – Học viện CSND
Nguyễn Ngọc Giang – Học viện CSND
Đặc san phát triển kinh tế – xã hội số 1/2024