Hệ thống ngành kinh tế xanh gồm ngành kinh tế xanh, ngành kinh tế chuyển đổi sang xanh và ngành kinh tế phụ trợ
Theo dự thảo, Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam được sử dụng thống nhất trong hoạt động thống kê nhà nước. Danh mục ngành kinh tế Việt Nam gồm 5 cấp:
Ngành cấp 1 gồm 22 ngành được mã hóa theo bảng chữ cái lần lượt từ A đến V;
Ngành cấp 2 gồm 87 ngành; mỗi ngành được mã hóa bằng hai số theo ngành cấp 1 tương ứng;
Ngành cấp 3 gồm 259 ngành; mỗi ngành được mã hóa bằng ba số theo ngành cấp 2 tương ứng;
Ngành cấp 4 gồm 492 ngành; mỗi ngành được mã hóa bằng bốn số theo ngành cấp 3 tương ứng;
Ngành cấp 5 gồm 733 ngành; mỗi ngành được mã hóa bằng năm số theo ngành cấp 4 tương ứng.
Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam gồm danh mục và nội dung quy định tại Phụ lục 1. Nội dung ngành kinh tế Việt Nam giải thích rõ những hoạt động kinh tế gồm các yếu tố được xếp vào từng bộ phận, trong đó: Bao gồm những hoạt động kinh tế được xác định trong ngành kinh tế; Loại trừ những hoạt động kinh tế không được xác định trong ngành kinh tế nhưng thuộc các ngành kinh tế khác.
Hệ thống ngành kinh tế xanh quốc gia
Hệ thống ngành kinh tế xanh gồm ngành kinh tế xanh, ngành kinh tế chuyển đổi sang xanh và ngành kinh tế phụ trợ.
Ngành kinh tế xanh là ngành gồm các hoạt động kinh tế đáp ứng có khả năng đạt được một trong các mục tiêu tăng trưởng xanh và không gây hại đáng kể với các mục tiêu khác.
Ngành chuyển đổi sang xanh là ngành gồm các hoạt động kinh tế gây hại hoặc có thể gây hại với một số mục tiêu, tuy nhiên là các ngành này đóng góp đáng kể với nền kinh tế Việt Nam, do đó cần khuyến khích chuyển đổi hoặc cần có kế hoạch khắc phục toàn diện.
Ngành kinh tế phụ trợ là các ngành gồm các hoạt động kinh tế đạt được các mục tiêu tăng trưởng xanh một cách gián tiếp, có tác động phụ trợ cho các ngành xanh.
Hệ thống ngành kinh tế xanh quốc gia gồm danh mục và nội dung quy định tại Phụ lục 2.
Danh mục ngành kinh tế xanh quốc gia gồm 11 ngành kinh tế cấp 1:
– A. Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản;
– C. Công nghiệp chế biến, chế tạo;
– D. Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí;
– E. Cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải;
– F. Xây dựng;
– H. Vận tải, kho bãi;
– J. Hoạt động xuất bản, phát thanh, sản xuất và phân phối nội dung;
– K. Viễn thông, lập trình máy vi tính, tư vấn máy vi tính và các hoạt động dịch vụ thông tin khác;
– L. Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm;
– M. Hoạt động kinh doanh bất động sản;
– N. Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ.
Một ngành kinh tế được xác định là ngành kinh tế xanh khi ngành đó đáp ứng ít nhất một trong các mục tiêu bảo vệ môi trường sau: Giảm thiểu biến đổi khí hậu; Thích ứng với biến đổi khí hậu; Bảo vệ hệ sinh thái và đa dạng sinh học; Khả năng phục hồi tài nguyên và quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn.