Các Nhân tố thúc đẩy nền kinh tế, dịch vụ số từ góc nhìn kỷ nguyên Công nghệ

Thế giới đang bước vào kỷ nguyên số với đặc điểm, tính chất và sự tác động sâu rộng chưa từng có. Các quốc gia trên thế giới đang có sự điều chỉnh, thích ứng và có những chính sách, chiến lược phù hợp với những chuyển động, tác động của kỷ nguyên số, trong đó có những vấn đề về phát triển nền kinh tế, dịch vụ số và hội nhập quốc tế. Đối với Việt Nam việc nghiên cứu cơ hội, thách thức, những vấn đề đặt ra của hội nhập quốc tế là rất cần thiết, qua đó định hướng mục tiêu, chính sách cho Việt Nam trong việc thúc đẩy nền kinh tế, dịch vụ số trong thời đại hiện nay.

Thuật ngữ “kỷ nguyên số” (Digital age) đã được hầu hết các tổ chức quốc tế và nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng. Kỷ nguyên số có các đặc điểm mới, với tính chất, mức độ tác động sâu rộng chưa từng có, với đặc trưng sau đây:

Một là, động lực hình thành kỷ nguyên số là quá trình chuyển đổi số toàn cầu nhằm thay đổi tổng thể và toàn diện phương thức phát triển của xã hội, lối sống và hoạt động trên nền tảng số. Liên hợp quốc cho rằng, các công nghệ số đang phát triển nhanh hơn bất kỳ sáng tạo nào trong lịch sử loài người.

Hai là, lần đầu tiên, một không gian ảo ở quy mô toàn cầu được định hình, tồn tại và ngày càng đan xen chặt chẽ với không gian thực, với khả năng kết nối mạnh mẽ, vượt ra khỏi giới hạn địa lý và ít chịu sự kiểm soát của các Chính phủ hơn. Dữ liệu được thế giới tạo ra và lưu trữ trong 5 năm trở lại đây được cho là lớn hơn toàn bộ dữ liệu loài người tạo ra trước đó.

Ba là, sự phát triển, vận động của thế giới cũng như của từng quốc gia, doanh nghiệp, người dân trong nhiều thập niên tới, thậm chí thế kỷ tới được dự báo sẽ chịu sự tác động mạnh mẽ của kỷ nguyên số. Các lĩnh vực bị ảnh hưởng, bao gồm chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa, xã hội… Trong bối cảnh đó, các quốc gia trên thế giới đang tích cực, chủ động triển khai chiến lược, chính sách về hội nhập quốc tế, trong đó chú trọng thúc đẩy kinh tế số và các thỏa thuận, thương mại quốc tế thế hệ mới. Mỹ là quốc gia đi đầu về đầu tư cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Trung Quốc đặt mục tiêu tham vọng trở thành cường quốc công nghệ hàng đầu thế giới. Kế hoạch “Chế tạo tại Trung Quốc 2025” (Made in China 2025) chú trọng hình thành năng lực tự chủ công nghệ – sáng tạo. Ở cấp độ khu vực, hội nhập số cũng từng bước được thúc đẩy. Năm 2019, ASEAN ban hành một số văn bản liên quan đến hội nhập số, như Chương trình hành động khung hội nhập số giai đoạn 2019 – 2025 và Chỉ số hội nhập số ASEAN (ADII) theo đề xuất của Việt Nam năm 2020.

Về cơ hội của Việt Nam trong phát triển nền kinh tế, dịch vụ số: trong 35 năm đổi mới và phát triển, tiến trình hội nhập quốc tế trở thành một quyết sách chiến lược, phục vụ trực tiếp nhu cầu của đất nước, phù hợp với các xu thế lớn trên thế giới. Đến nay, Việt Nam đã có nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước thể hiện chủ trương phát triển quốc gia trong kỷ nguyên số, như Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 22/3/2018, của Bộ Chính trị, về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019, của Bộ Chính trị, về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã xây dựng và ban hành các chương trình hành động và chiến lược quốc gia tương ứng với các lĩnh vực liên quan, như cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, Chương trình chuyển đổi số quốc gia và Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI. Những cơ hội của Việt Nam trong phát triển nền kinh tế, dịch vụ số được phân tích trên các phương diện sau đây:

Một là, hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên số mở ra cơ hội cho các quốc gia trong đó có Việt Nam phát triển bứt phá thông qua việc sớm triển khai và hoàn thành chuyển đổi số (thể chế pháp lý, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực số). Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) dự báo giá trị tạo ra của chuyển đổi số từ bốn lĩnh vực, gồm ô tô, hàng tiêu dùng, sản xuất điện, logistics lên tới 100 nghìn tỷ USD vào năm 2025(3). Các tác động từ chuyển đổi số lớn hơn gấp nhiều lần các cuộc cách mạng khoa học – công nghệ trước đây, do đó quốc gia nào kịp thời tranh thủ chuyển đổi sẽ có cơ hội tạo đột phá, nhảy vọt về phát triển.

Hai là, hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên số tạo cơ hội thu hút nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng, công nghệ số và nguồn nhân lực có kỹ năng số cũng như giúp nâng cao năng lực tự chủ của quốc gia trong hội nhập quốc tế. Tổng đầu tư cho chuyển đổi số giai đoạn 2020 – 2023 trên toàn cầu được dự báo có thể lên tới 7,4 nghìn tỷ USD. Các nước đang phát triển như Việt Nam có cơ hội rất lớn đi thẳng vào xây dựng hạ tầng số hiện đại thay vì mất chi phí chuyển đổi từ hạ tầng cũ sang hạ tầng mới như các nước phát triển.

Ba là, hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên số tạo cơ hội tranh thủ các công cụ số trong đối ngoại để phát huy vị thế và ảnh hưởng của các quốc gia. Hiện nay, có đến 98% các nhà lãnh đạo, bộ trưởng ngoại giao của 193 thành viên Liên hợp quốc kết nối với nhau qua trang Twitter với 620 triệu người theo dõi. Dịch bệnh COVID-19 giúp đẩy mạnh hơn việc sử dụng các công cụ số trong quan hệ quốc tế, như tổ chức các hội nghị đa phương, song phương trực tuyến, truyền tải các thông điệp đối ngoại, xây dựng hình ảnh, bổ trợ hiệu quả các kênh đối ngoại truyền thống. Các hoạt động hội nhập toàn diện, sâu rộng, nhất là đối ngoại đa phương, đã giúp khẳng định và nâng tầm năng lực khởi xướng, nòng cốt, dẫn dắt và hòa giải của Việt Nam qua đảm nhận thành công nhiều trọng trách, như tổ chức thành công Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) năm 2017, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên năm 2019; đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2020; tiếp tục đảm nhiệm vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021, với nhiều sáng kiến và dấu ấn được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Năm là, góp phần tích cực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân cũng như giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường. Các địa phương, doanh nghiệp và người dân ngày càng có điều kiện tham gia, tận dụng các cơ hội mà hội nhập quốc tế mang lại.

Bốn là, hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên số tạo cơ hội để Việt Nam tăng cường đẩy mạnh việc phát triển và ứng dụng khoa học – công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới mô hình tăng trưởng góp phần vào việc đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong 35 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, quy mô nhỏ bé, đến nay GDP của Việt Nam đạt 262 tỷ USD, tăng hơn 18 lần, đứng thứ 44 trên thế giới.

Với thế và lực mới, Việt Nam bước vào thời kỳ chiến lược mới, đổi mới toàn diện, chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện. Những thành tựu đạt được sau 35 năm đổi mới tiếp tục khẳng định sự đúng đắn của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ; chủ trương chủ động tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam. Đây là cơ sở và nền tảng quan trọng cho việc hội nhập quốc tế thời kỳ kỷ nguyên số trong thời gian tới, nhất là sự hình thành hội nhập kinh tế quốc tế số. Việc phát triển nền kinh tế, dịch vụ số của Việt Nam trong kỷ nguyên số cũng đóng góp vào việc mở ra những phương thức, không gian mới cho hội nhập quốc tế của khu vực và thế giới, góp phần tạo ra những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững. Việc tranh thủ thời cơ từ cuộc cách mạng Công nghiệp lần 4.0 hiện nay là thời cơ chiến lược để đất nước bứt phá, vươn lên, thực hiện các mục tiêu phát triển được đề ra tại Đại hội XIII của Đảng. Với nền tảng mạng lưới và liên kết kinh tế là cơ sở, tạo điều kiện để Việt Nam thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng và tham gia sâu vào mạng lưới liên kết kinh tế toàn cầu, góp phần định hình các khuôn khổ luật lệ về kinh tế – thương mại mới, trong đó có việc nâng cấp, bổ sung các nội dung về liên kết số, ứng dụng công nghệ trong phát triển nền kinh tế, dịch vụ số.

Bên cạnh những cơ hội, tiến trình hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên số của Việt Nam cũng phải đối diện với không ít thách thức.

Một là, cục diện thế giới và khu vực biến đổi khó lường, gây không ít khó khăn cho công tác dự báo chiến lược. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ, các nguy cơ an ninh được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra phức tạp, gay gắt hơn trước. Nền kinh tế thế giới bước vào thời đại mới về tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất, đưa tới những thay đổi sâu sắc trong quan hệ sản xuất và quan hệ xã hội. Các thách thức an ninh phi truyền thống, như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, an ninh mạng… ngày càng gia tăng.

Hai là, hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên số cũng đặt ra những yêu cầu mới, như đổi mới tư duy, chuyển từ “mở rộng quan hệ, gia nhập và tham gia hợp tác quốc tế” sang “chủ động đóng góp, tích cực khởi xướng và tham gia định hình các cơ chế hợp tác” và việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với công nghệ số. Ngoài ra, vấn đề luật hóa và thực hiện các cam kết FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, cùng với vấn đề mới trong bổ sung, nâng cấp những điều khoản liên quan đến kinh tế số và công nghệ số cũng là một trong những thách thức đối với Việt Nam.

Ba là, việc nắm bắt cơ hội, triển khai đồng bộ ở các cấp về thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quá trình số hóa, chuyển đổi số sâu rộng trong bối cảnh năng lực chuyển đổi của Việt Nam còn hạn chế. Nếu không kịp chuyển đổi kịp thời về tư duy và hành động, nguy cơ tụt hậu của đất nước càng nghiêm trọng.

Bốn là, những yêu cầu cao hơn về công tác hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên số nhằm phát huy “sức mạnh mềm”, vị thế mới về địa – chiến lược, địa – kinh tế, vươn lên đóng vai trò khởi xướng, nòng cốt, hòa giải trong các vấn đề có ý nghĩa chiến lược với Việt Nam. Việc hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên số cũng đặt ra những vấn đề mới, như việc bắt nhịp với xu hướng phát triển, phương thức sản xuất mới của thế giới, cân bằng giữa bảo đảm an ninh mạng và phát triển kinh tế số, giữa chuyển đổi số và duy trì an sinh và ổn định xã hội, giữa thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) về công nghệ và hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ trong nước.

Năm là, các nguy cơ đối với an ninh, trật tự xã hội và chủ quyền không gian mạng, bảo vệ chế độ trong bối cảnh không gian mạng có nhiều diễn biến phức tạp. Với sự phổ biến của các phương tiện truyền thông xã hội, sự chống phá của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, phức tạp và nguy cơ phát sinh các bất ổn xã hội cũng khó khăn, phức tạp hơn trước. Bên cạnh đó là thách thức về bảo đảm việc làm, đào tạo lại lực lượng lao động.

Có thể nói, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế là một trong những quan điểm lớn của Đảng trong chiến lược phát triển đất nước. Nghị quyết số 52-NQ/TW cũng đề ra 08 chủ trương, chính sách để chủ động tham gia cách mạng Công nghiệp 4.0 và đặt ra nhiều mục tiêu cho giai đoạn 2025 – 2045, trong đó có đưa ra mục tiêu cụ thể là đến năm 2025, kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP và đến năm 2030, kinh tế số chiếm trên 30% GDP. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng và hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững đất nước; hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chú trọng đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số”. Kinh tế số đang được xem là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng nhất ở Việt Nam trong những thập niên tới. Thúc đẩy kinh tế số được Chính phủ Việt Nam coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao chất lượng tăng trưởng, đưa đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và hướng tới mục tiêu trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2045. Cùng với đó, Chính phủ cũng đã chủ động nghiên cứu, xây dựng nhiều chủ trương, chính sách, đặc biệt là đã ban hành kịp thời một loạt các văn bản pháp quy như nghị định, thông tư để tạo dựng hành lang pháp lý, quản lý và điều tiết các mảng khác nhau của nền kinh tế số tại Việt Nam. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 về xây dựng Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Chương trình chuyển đổi số quốc gia nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số ở Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 7%; hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình và 100% số xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%; Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số công nghệ thông tin (IDI) và chỉ số cạnh tranh (GCI), thuộc nhóm 35 nước dẫn đầu về chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) và thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng (GCI). Để đạt được mục tiêu này cần phải duy trì mức tăng trưởng kinh tế số bình quân hằng năm khoảng 20%, gấp 3 lần tăng trưởng GDP dự kiến (6,5 – 7%/năm). Chương trình chuyển đổi số quốc gia xác định tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế số trong thời gian tới, Việt Nam cần xây dựng và hoàn thiện môi trường thể chế, pháp lý đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập quốc tế trong điều kiện kinh tế số. Tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng cứng và mềm cho chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số quốc gia. Đồng thời, hỗ trợ nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, không ngừng chú trọng bồi dưỡng, phổ biến, trang bị kiến thức cho đội ngũ doanh nhân Việt Nam đáp ứng yêu cầu của kinh tế số và xu thế của CMCN 4.0, cũng như thích ứng với hội nhập vào thị trường thế giới trong thời kỳ mới. Tiếp tục khơi dậy tinh thần dân tộc, lý tưởng và khát vọng đưa dân tộc đi tới thịnh vượng, từ đó khơi dậy và tạo động lực cho văn hóa khởi nghiệp của người Việt Nam, nhất là trong tầng lớp thanh niên. Cần khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, công nghệ sản xuất, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và đội ngũ doanh nhân. Đặc biệt, Chính phủ cần tạo dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật số để các doanh nghiệp hòa nhập và nắm bắt được xu hướng, thế mạnh của kỷ nguyên kinh tế số. Bên cạnh đó, Chính phủ cần đẩy mạnh cải cách tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu nền kinh tế số và đi tiên phong trong quá trình số hóa bộ máy quản trị quốc gia. Chú trọng cải cách mạnh mẽ nền hành chính quốc gia, xây dựng nền hành chính công vụ thông minh, gọn nhẹ, kỷ luật, liêm chính, kiến tạo và nâng cao hiệu quả quản trị của bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương, chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy quản trị điều hành, thực hiện đồng bộ số hóa bộ máy quản lý nhà nước các cấp cũng như xây dựng và triển khai chiến lược, các chính sách thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và doanh nghiệp. Mặt khác, cần coi trọng công tác bảo vệ an ninh kinh tế, an ninh chính trị nói riêng và an ninh quốc gia nói chung qua không gian mạng, giám sát và phòng chống hiệu quả các loại tội phạm mạng, nhất là tội phạm công nghệ cao.

Tác giả: Bùi Thị Cẩm Ninh – Đặc san Phát triển Kinh tế – Xã hội số 1-26 (2024)