Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với 12 tỉnh, thành phố Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên ngày 18/7.
Quyết tâm giải ngân 100% hoặc 90% trở lên trong năm 2020
Tham dự buổi làm việc, Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND của 12 tỉnh, thành phố miền Trung – Tây Nguyên đều khẳng định, không địa phương nào muốn chuyển nguồn vốn sang địa phương khác. Lãnh đạo các tỉnh cho rằng, khó khăn gấp đôi thì sẽ cố gắng gấp ba. HĐND các địa phương sẽ tổ chức họp thường xuyên về thúc đẩy giải ngân, ít nhất mỗi tháng một lần; bên cạnh đó, sẽ tiến hành đẩy nhanh việc giải quyết các thủ tục.
Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo 12 tỉnh đều thể hiện quyết tâm giải ngân 100% hoặc 90% trở lên trong năm 2020 và giải ngân vốn ODA đạt ít nhất 80%.
Bên cạnh thúc đẩy giải ngân, với vùng Tây Nguyên, ý kiến các chuyên gia đều cho rằng, cần tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển du lịch nội địa. Với thế mạnh cơ cấu kinh tế nông nghiệp của vùng chiếm 33% trong tổng GRDP của vùng, nông nghiệp đã duy trì mức tăng trưởng quý II cao hơn quý I , mức tăng trưởng này đxã bù lại sự suy giảm của các ngành khác và duy trì phát triển chung của vùng Tây Nguyên.
6 tháng đầu năm 2020, trước ảnh hưởng mạnh của đại dịch Covid-19, các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên đã có nhiều cố gắng, nhất là quyết tâm không để Covid-19 lây lan, tuy nhiên kết quả các tỉnh đều tăng trưởng đạt thấp, còn có 3 tỉnh tăng trưởng âm. Trong đó, giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn bình quân cả nước.
Thời gian tới, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, Thủ tướng tin tưởng lãnh đạo và người dân các địa phương trong vùng mong muốn vươn lên mạnh mẽ hơn nữa, “không để Trung ương và Chính phủ thất vọng về sự tăng trưởng yếu kém, nhiều tồn tại của các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên”.
Điều quan trọng là phải xây dựng chương trình, lộ trình hành động với thời gian cụ thể, quyết liệt, hiệu quả, giải pháp đột phá trong 6 tháng cuối năm để phục hồi tăng trưởng. Không để tình trạng trì trệ.
Các tỉnh Vùng Kinh tế trọng điểm, kể cả Phú Yên và Khánh Hòa phải nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng, thể hiện là cực tăng trưởng của khu vực và đất nước, Thủ tướng nêu rõ. Mục tiêu năm 2020, khu vực miền Trung – Tây Nguyên không thấp hơn mức tăng trưởng kinh tế của cả nước. Tập trung mọi điều kiện tốt nhất để phát triển kinh tế, thu hút dòng dịch chuyển vốn đầu tư thế giới.
Không có đầu tư phát triển, không có doanh nghiệp phát triển thì không thể phát triển địa phương mình, Thủ tướng hoan nghênh việc tỉnh Gia Lai cho biết, đã có 50 doanh nghiệp có tên tuổi đầu tư vào nông nghiệp của Gia Lai.
Miền Trung – Tây Nguyên có đặc điểm quỹ đất khá lớn, có quy mô tập trung, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao. vì vậy, các địa phương cần tập trung rà soát sắp xếp, đề xuất phương án xử lý đảm bảo cân đối giữa mô hình quản trị doanh nghiệp, mô hình sản xuất, nguồn lực lao động với diện tích đất giữ lại, mang lại nguồn thu tương xứng cho ngân sách.
bên cạnh đó, các địa phương miền Trung – Tây Nguyên phải nghiên cứu, tận dụng các Hiệp định FTA, đặc biệt là CPTPP và EVFTA, mở ra không gian mới về hợp tác thương mại đầu tư với các nước châu Âu.
Dự đoán đại dịch Covid-19 có thể còn diễn biến khó lường, Thủ tướng yêu cầu các địa phương, nơi có cửa khẩu, biên giới, cảng hàng không tuyệt đối không được chủ quan, theo dõi sát tình hình, kiên quyết không để dịch quay lại, lây lan trong cộng đồng. “Đảng, Nhà nước “thấu hiểu” những khó khăn, thách thức với miền Trung”. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng hành cùng chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân miền Trung – Tây Nguyên vượt qua khó khăn.
Tập trung xử lý 102 kiến nghị của địa phương
102 kiến nghị của các tỉnh, thành phố, bao gồm nhóm kiến nghị về cơ chế, chính sách (35 kiến nghị); nhóm kiến nghị liên quan đến công tác quy hoạch (15 kiến nghị), nhóm kiến nghị liên quan đến các chương trình, dự án đầu tư (39 kiến nghị); nhóm kiến nghị về thủ tục nhập cảnh cho các chuyên gia, nhà đầu tư, lao động nước ngoài (3 kiến nghị); các kiến nghị khác (10 kiến nghị) đã được gửi tới Chính phủ.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng tập trung xử lý kiến nghị của địa phương, không được để tình trạng “đi thăm địa phương thì có nhưng làm việc trực tiếp, xử lý tồn tại thì ít”. Thủ tướng giao các Bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu, giải quyết các kiến nghị của địa phương, “không phải lời nói gió bay”; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công của từng địa phương; kịp thời xử lý các phát sinh, vướng mắc, bảo đảm giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2020. Kiên quyết thực hiện cắt giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2020 của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, hoặc triển khai chậm để điều chỉnh cho các dự án đầu tư công cấp bách.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Trung ương để đầu tư các công trình hạ tầng cấp bách của Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khu công nghiệp, khu kinh tế đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương, của vùng, của quốc gia nhằm đón nhận làn sóng đầu tư mới; xem xét đưa Khu kinh tế Vân Phong vào nhóm các khu kinh tế ven biển được ưu tiên tập trung đầu tư…
Từ ngày 18/7/2020 đến ngày 31/8/2020, tổ chức các Đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (kể cả vốn ODA) năm 2020 tại một số bộ, cơ quan, địa phương. Các Đoàn công tác này do Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng và một số Bộ trưởng làm Trưởng đoàn.
Theo Việt Dũng/tapchitaichinh.vn
Dẫn theo nguồn: http://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/tap-trung-xu-ly-102-kien-nghi-cua-dia-phuong-tao-dieu-kien-tot-nhat-de-phat-trien-kinh-te-325705.html