Nở rộ các app tài chính có dấu hiệu “lừa đảo”

Sự nở rộ của các app như Cool Cat, Shopping Mall, PChome, Mo Xiaomi,… và rất nhiều app “chưa bị sập” đã và đang lợi dụng giấc mơ làm giàu của nhiều người.

Dù truyền thông liên tục cảnh báo, thậm chí không ít người nhận thấy được sự rủi ro, biết rõ là các ứng dụng có dấu hiệu lừa đảo, nhưng vẫn cố tình tham gia.

Hàng loạt app kiếm tiền

Đại dịch Covid-19 bùng phát cùng làn sóng chuyển đổi số và xu hướng đầu tư vào công nghệ tài chính tăng trưởng dữ dội trên toàn cầu.

Trong bức tranh đa sắc màu đó cũng xuất hiện vô số những ứng dụng (app) kiếm tiền online trá hình, không được cấp phép và sử dụng mọi chiêu trò thu hút người tham gia. Đến khi các ap này sập, hàng nghìn người mất tiền, các nhà đầu tư mới tá hoả vì đã bị lừa.


Sự đổ vỡ của Cool Cat app dưới mô hình “bảo hiểm vốn” đã khiến hàng nghìn nhà đầu tư không thể truy cập app, không thể rút tiền cũng như không có đầu mối liên hệ.

Mới đây nhất là sự đổ vỡ của Cool Cat app dưới mô hình “bảo hiểm vốn”, hàng nghìn nhà đầu tư đã không thể truy cập app, không thể rút tiền cũng như không có đầu mối liên hệ.

Theo đó, sàn giao dịch này được quảng cáo là thực hiện các giao dịch vàng, USD, Bitcoin, giao dịch dự đoán giá ngắn hạn và các sản phẩm khác được ủy quyền và quản lý bởi SCB, kết nối dữ liệu quốc tế theo thời gian thực và kết quả giao dịch công khai, minh bạch. Phương thức rất đơn giản, mỗi ngày, nhà đầu tư sẽ bấm dự đoán giá vàng, ngoại tệ, tiền ảo, Bitcoin,… lên hoặc xuống.

Nếu đoán đúng, nhà đầu tư nhận được 73% tiền thắng. Nếu sai, vốn của họ sẽ bị trừ tiền. Nhưng khi thua liên tiếp 6 lần thì nhà đầu tư phải dừng lại. Khi đó, các chuyên gia Coolcat sẽ “đánh hộ” ván 7 với cam kết thắng 80-90% để bù lỗ. Nếu không, Coolcat sẽ đền 100% số tiền thua của 6 lần trước.

Một nhà đầu tư cho hay, qua thống kê online thì trong vòng chưa đến một tuần, đã có hơn 1.700 người báo bị thiệt hại với tổng số tiền gần 150 tỉ đồng, nhiều người bỏ từ 1-2 tỉ đồng tham gia vào Cool Cat.

Ngoài ra còn có một số app kiếm tiền bằng hình thức tạo đơn ảo để nhận hoa hồng như Pchome. Cụ thể, công việc hàng ngày của người tham gia là truy cập vào ứng dụng, “giật” đơn hàng. Mỗi ngày được “giật” tối đa 40 đơn, hưởng hoa hồng 0,35% trên tổng số tiền đầu tư, với điều kiện, người chơi phải bỏ tiền thật để mua các gói theo quy định.

Trong đó, Pchome sẽ đưa ra 6 gói VIP với mức phí từ 350.000 đồng đến 200 triệu đồng. Nếu người chơi mua gói VIP 3 có phí 10 triệu đồng thì mỗi ngày nhà đầu tư sẽ được hoàn trả 0,3%/đơn. Còn với gói VIP 6 có phí 200 triệu đồng thì mỗi ngày nhà đầu tư sẽ được hoàn trả 0,42%/đơn.

Khi mới bắt đầu chơi, tôi cũng rút tiền 2 lần nhưng đến ngày 12/4 thì không thể rút được nữa, xong đến ngày 16/4 thì app sập. Tôi đã đầu tư 200 triệu đồng, nhưng rút ra mới được 70 triệu đồng” một người tham gia PChome chia sẻ.

Cùng thời điểm này, nhiều người cũng tá hỏa, làm đơn tố cáo vì bị mất tiền do ứng dụng Shopping Mall “bốc hơi” sau những hứa hẹn về thu nhập cao, hoa hồng khủng.

Tương tự như PChome, Shopping Mall yêu cầu thành viên tham gia nạp tiền vào để mua VIP mới có thể làm nhiệm vụ hoặc giới thiệu thành viên mới nhận hoa hồng. Mỗi ngày làm 60 nhiệm vụ tương đương với 5% tổng số vốn ban đầu. Để đầu tư vào app này phải mất 20 ngày thì mới thu lại được vốn. Số tiền nhỏ nhất để đầu tư là 300k, lớn nhất lên đến 15 triệu để làm nhiệm vụ giật đơn ảo nhận tiền.

Ngoài ra, còn có sự xuất hiện của app MoXiaomi – kiếm tiền bằng cách chia sẻ sạc dự phòng hưởng lợi nhuận và mời người tham gia để được nhận hoa hồng.

App MoXiaomi lôi kéo người tham gia kiếm tiền bằng cách chia sẻ sạc dự phòng hưởng lợi nhuận và mời người tham gia để được nhận hoa hồng

Qua giới thiệu, MoXiaomi thuộc công ty MoXiaomi Technology Co.Ltd, được thành lập tại Thượng Hải, Trung Quốc vào tháng 5/2017. Là công ty hàng đầu trong nghành chia sẻ pin sạc dự phòng, hoạt động kinh doanh chính bao gồm các dịch vụ cho thuê pin sạc dự phòng trên truyền thông quảng cáo và các dịch vụ khác.

Để tham gia kiếm tiền, người dùng nạp tiền để mua gói đầu tư mua sạc dự phòng. Với các gói từ 200.000 đồng đến 5 triệu đồng, người dùng sẽ thu về lợi nhuận ước tính theo giờ của từng gói. Gói càng cao thì lợi nhuận càng lớn và không giới hạn số lượng khi mua các gói đầu tư.

Sự “mê muội” của nhà đầu tư

Có thể thấy những app này sẵn sàng chi mạnh tay để thuê quảng cáo từ những youtuber có nhiều lượt đăng ký, để giới thiệu càng nhiều người tham gia càng tốt cho họ. Khi app hoạt động đến khoảng 6 tháng, kinh phí để duy trì gần như không còn.

App sẽ tung ra những chương trình rất hấp dẫn người dùng nạp tiền. Đó là biểu hiện lừa đảo đầu tiên. Sau đó sẽ nâng hạn mức rút tiền của người dùng, thời gian rút sẽ kéo dài rất lâu. Thậm chí là không rút được tiền, cuối cùng app sẽ biến mất không dấu vết cùng với số tiền của các nhà đầu tư.

Đây chỉ là một trong vô số những dấu hiệu lừa đảo của các ứng dụng kiếm tiền online trong thời gian gần đây. Trước đó, cũng từng xuất hiện nhiều app kiếm tiền khác, với những hậu quả tương tự. Dù truyền thông liên tục cảnh báo, thậm chí không ít người nhận thấy được sự rủi ro, biết rõ là các ứng dụng có dấu hiệu lừa đảo, nhưng vẫn cố tình tham gia.

Theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, trong môi trường truyền thống, việc lạm dụng niềm tin để chiếm đoạt tiền của người khác thường chỉ diễn ra ở một giới hạn lãnh thổ, hoặc trong một nhóm cộng đồng nhỏ thì bây giờ với môi trường internet, thế giới phẳng, giao dịch xuyên biên giới thông qua máy tính, điện thoại các đối tượng này đã dễ dàng tiếp cận “con mồi”.

Tuy nhiên, không ít người vì nuôi giấc mộng làm giàu bằng cách kiếm tiền giản đơn, “thành tỷ phú một đêm” mà lao vào các app mời gọi đầu tư không được cấp phép, bất chấp rủi ro. Thậm chí, nhiều người đã bị thua, mất tiền, nếm cảm giác bị lừa, nhưng vẫn nảy sinh ý nghĩ “mau tham gia cái mới gỡ lại thôi” như con bạc khát nước trong sới đỏ đen…

Những tâm lý này dẫn đến những kẻ hở tạo điều kiện cho những nhóm, những con người có mục đích kiếm tiền bất chính có cơ hội thực hiện hành vi lừa đảo hay lạm dụng tín nhiệm nhằm chiếm đoạt tài sản.

“Hãy dừng ngay lại dù đã mất, chấp nhận sai thì sửa chứ đừng theo cách “ngã ở đâu thì đứng lên ở đó” như hiện tượng hàng nghìn người đã mất tiền những ngày qua”, Luật sư Nguyễn Thế Truyền nói.

Sự việc trên đã mở ra nhiều luồng ý kiến khác nhau, những người mất tiền vừa đáng thuơng cũng vừa đáng trách. Không ít người trong số các nhà đầu tư mất tiền lớn thực tế đã nỗ lực lôi kéo cộng đồng tham gia trong khi bản thân cũng không có đủ kiến thức tài chính, không nắm bắt được đầy đủ về sản phẩm đầu tư mình giới thiệu. 

Trước hàng loạt đơn kêu cứu vì mất tiền đau, Luật sư Vũ Minh Tiến, đại diện công ty Luật VIAD, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp: Nếu những người chơi có bằng chứng về việc chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo như thông tin tài khoản, hình ảnh, tin nhắn, …thì làm đơn tố cáo và nộp tất cả cho cơ quan điều tra để làm rõ vụ việc. Nếu có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 174 của Bộ Luật Hình sự.

Cụ thể, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị 2 – 50 triệu đồng sẽ bị xử phạt không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá 50 – 200 triệu đồng thì bị phạt 2 – 7 năm tù. Chiếm đoạt tài sản từ 200 triệu đến dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tù 7 – 15 năm, trên 500 triệu đồng thì mức phạt tù 12 – 20 năm hoặc chung thân.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 10 – 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 – 5 năm, hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

(Điều 174, Bộ Luật Hình sự)

Theo Diễm Ngọc/enternews.vn

Dẫn theo nguồn: https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-phap-luat/no-ro-cac-app-tai-chinh-co-dau-hieu-lua-dao-333472.html