Điều 8. Cơ cấu và tổ chức của Viện bao gồm:

– Hội đồng quản lý Viện

– Ban lãnh đạo Viện gồm có Viện trưởng và các Phó Viện trưởng.

– Các phòng nghiên cứu và phòng chức năng: tùy theo nhiệm vụ của Viện để thành lập các phòng, các trung tâm, đơn vị phụ thuộc.

– Các chi nhánh, văn phòng đại diện của Viện tại các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật và TW. Hội

– Các phòng chức năng và đơn vị trực thuộc không có pháp nhân riêng.

Điều 9. Hội đồng quản lý Viện

9.1. Hội đồng quản lý Viện

Hội đồng quản lý gồm các thành viên tham gia sáng lập Viện.

Sau khi có quyết định thành lập Viện, Hội đồng sáng lập Viện được chuyển thành Hội đồng quản lý Viện (sau đây gọi tắt là Hội đồng Viện)

Hội đồng Viện là cơ quan có quyền quyết định cao nhất của Viện. Hội đồng Viện gồm Chủ  tịch và các thành viên. Hội đồng Viện có thể được thay đổi, bổ sung trong quá trình hoạt động khi được sự nhất trí của 2/3 các thành viên Hội đồng và được lập thành văn bản lưu hồ sơ.

9.2. Nhiệm vụ của Hội đồng Viện

a) Đưa ra định hướng phát triển và giám sát các hoạt động triển khai của Viện;

b) Thông qua việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ;

c) Kiện toàn Hội đồng Viện, bầu Chủ tịch Hội đồng Viện và các thành viên;

d) Thông qua kế hoạch tài chính và báo cáo tài chính hằng năm của Viện;

e) Thông qua cơ cấu tổ chức, quy chế quản lý; đề cử Viện trưởng để Hiệp hội bổ nhiệm/miễn nhiệm; đề cử các Phó Viện trưởng và Kế toán trưởng theo đề nghị của Viện trưởng để Hiệp hội bổ nhiệm/miễn nhiệm;

f) Thông qua các hình thức khen thưởng, kỷ luật trên cơ sở đề nghị của Viện trưởng.

9.3. Cơ chế hoạt động của Hội đồng Viện

a) Hội đồng Viện họp đình kỳ 6 tháng/lần. Hội đồng Viện có thể họp bất thường trên cơ sở đề nghị của Chủ tịch Hội đồng Viện hoặc của trên 50% số thành viên Hội đồng Viện. Khi có yêu cầu họp bất thường, Chủ tịch Hội đồng Viện phải triệu tập phiên họp trong vòng 7 ngày làm việc kể từ ngày có đề nghị;

b) Cuộc họp Hội đồng Viện được tiến hành khi có trên 50% số thành viên hội đồng tham gia. Cuộc họp Hội đồng Viện phải được tổ chức tại trụ sở của Viện hoặc tại nơi được nêu rõ trong thông báo mời họp;

c) Chủ tịch Hội đồng Viện chuẩn bị chương trình, nội dung cuộc họp;

d) Người triệu tập cuộc họp Hội đồng Viện phải gửi thông báo mời họp đến từng thành viên. Nội dung thông báo mời họp phải xác định rõ thời gian, địa điểm và chương trình họp;

e) Thành viên Hội đồng Viện không được ủy quyền cho người khác tham dự cuộc họp;

f) Chủ tịch Hội đồng Viện là người chủ trì cuộc họp. Trong trường hợp Chủ tịch hội đồng Viện vắng mặt thì Hội đồng bầu một người chủ trì cuộc họp;

g) Cơ chế biểu quyết thông qua các quyêt định của Hội đồng Viện:

– Hội đồng Viện thông qua các quyết định thuộc thẩm quyền bằng hình thức biểu quyết tại cuộc họp. Thành viên có thể tham gia họp từ xa thông qua các phương tiện thông tin viễn thông;

– Quyết định của Hội đồng Viện được thông qua khi có đa số (hơn 50%) thành viên dự họp tán thành. Đối với các quyết định sửa đổi Điều lệ, giải thể Viện phải được ít nhất 75% tổng số thành viên thông qua. Trong trường hợp tỷ lệ tán thành và không tán thành bằng nhau thì Chủ tịch Hội đồng Viện là người quyết định cuối cùng.

h) Biên bản họp Hội đồng Viện:

– Các nghị quyết, quyết định tại cuộc họp của Hội đồng Viện phải được lập thành biên bản ghi vào sổ biên bản của Viện.

– Biên bản họp Hội đồng Viện phải được hoàn thành và thông qua ngay trước khi kết thúc cuộc họp. Biên bản gồm các nội dung chủ yếu sau:

+ Thời gian, địa điểm, mục đích, chương trình họp;

+ Họ và tên các thành viên tham dự họp;

+ Vấn đề được thảo luận và biểu quyết;

+ Tóm tắt ý kiến thảo luận của các thành viên về các vấn đề được nêu;

+ Số lượng thành viên tán thành và số lượng thành viên  không tán thành đối với từng vấn đề;

+ Các quyết định được thông qua;

+ Họ và tên và chữ ký của các thành viên dự họp (thành viên dự họp từ xa có thể ký riêng trên 01 bản biên bản do mình tải về và in ra, sau đó gửi về Viện; hoặc có thể ký trong vòng 30 ngày sau khi kết thúc phiên họp).

9.4. Quyền hạn và nghĩa vụ của Chủ tịch Hội đồng Viện

Hội đồng Viện bầu một thành viên làm Chủ tịch Hội đồng trong số các thành viên của Hội đồng Viện. Nhiệm kỳ của Chủ tịch Hội đồng Viện là 5 (năm) năm và có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. Chủ tịch Hội đồng Viện có thể bị bãi miễn bất cứ khi nào theo quyết định của Hội đồng Viện. Chủ tịch Hội đồng Viện có thể kiêm chức vụ Viện trưởng.

Quyền hạn và nghĩa vụ của Chủ tịch Hội đồng Viện:

– Lập chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng Viện

– Triệu tập và chủ trì cuộc họp của Hội đồng Viện.

– Phân công nhiệm vụ cho các thành viên Hội đồng Viện.

– Giám sát hoặc tổ chức giám sát quá trình tổ chức thực hiện các quyết định của Hội đồng Viện.

– Thay mặt Hội đồng Viện ký các quyết định của Hội đồng Viện.

– Ủy quyền bằng văn bản cho một thành viên khác trong Hội đồng Viện thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch Hội đồng Viện trong thời gian vắng mặt.

Điều 10. Ban lãnh đạo Viện

Ban lãnh đạo của Viện gồm Viện trưởng và các Phó Viện trưởng.

10.1. Viện trưởng

a) Viện trưởng là người đại diện pháp luật của Viện, là người tổ chức, điều hành mọi hoạt động của Viện, là chủ tài khoản của Viện; chịu trách nhiệm trước pháp luật và Hiệp hội về hoạt động của Viện; chịu sự giám sát của Hội đồng Viện và chịu trách nhiệm trước Hội đồng Viện.

b) Viện trưởng do Hội bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm trên cơ sở đề nghị của Hội đồng Viện.

c) Viện trưởng có quyền bổ nhiệm và miễn nhiệm một số chức danh của Viện (trừ những chức danh do TW. Hội bổ nhiệm và miễn nhiệm).

d) Viện trưởng có nhiệm vụ:

– Tham gia đối thoại chính sách, chiến lược.

– Thiết kế xây dựng các chương trình hợp tác quốc tế với các Viện nghiên cứu quốc tế.

– Điều hành hoạt động hàng ngày của Viện, bao gồm:

+ Đối nội và chịu trách nhiệm đối ngoại.

+ Quản lý tài chính.

+ Vận hành hoạt động hàng ngày.

+ Các Trưởng phòng.

+ Làm việc và duy trì các mối quan hệ hợp tác với các nhà đầu tư, các tổ chức nghiên cứu trong nước và quốc tế.

– Kiến nghị phương án cơ cấu tổ chức, quy chế quản lý nội bộ của Viện.

– Ký kết và tổ chức thực hiện các hợp đồng dân sự và kinh tế.

– Tuyển dụng lao động, ký hợp đồng lao động và chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật

– Quyết định lương và phụ cấp (nếu có) đối với người lao động kể cả các chức danh quản lý.

– Thông qua quyết toán năm tài chính và tỷ lệ trích lập các quỹ của Viện.

– Các quyền và nhiệm vụ khác theo quyết định của Hội đồng Viện.

10.2. Phó Viện trưởng.

a) Các Phó Viện trưởng giúp Viện trưởng trong việc điều hành và lãnh đạo Viện theo sự phân công và ủy quyền của Viện trưởng.

b) Các Phó Viện trưởng chịu trách nhiệm trước Viện trưởng về những việc được phân công. Khi được ủy quyền thay mặt Viện trưởng thì Phó Viện trưởng được ủy quyền chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Hội về mọi hoạt động của Viện trong thời gian được ủy quyền.

c) Ban lãnh đạo Viện họp định kỳ ít nhất 01 (một) tháng một lần. Các nghị quyết, quyết định của Ban lãnh đạo được thực hiện theo ý kiến từ 2/3 trở lên của các thành viên trong Ban Lãnh đạo Viện.

Điều 11. Kế toán trưởng

Kế toán trưởng giúp Viện trưởng phụ trách các vấn đề tài chính kế toán của Viện. Kế toán trưởng chịu trách nhiệm về mọi hoạt động tài chính – kế toán của Viện theo các quy định về tài chính kế toán hiện hành của nhà nước.

Điều 12. Bổ nhiệm

– Viện trưởng được Hội đồng Sáng lập đề cử và do lãnh đạo TW. Hội nghiên cứu Khoa học về Đông Nam Á – việt Nam bổ nhiệm và miễn nhiệm theo đề nghị của Hội đồng Sáng lập.

– Các Phó Viện trưởng do lãnh đạo TW. Hội bổ nhiệm và miễn nhiệm theo đề cử của Hội đồng Viện căn cứ trên đề nghị của Viện trưởng.

Điều 13. Hội đồng khoa học

a) Hội đồng khoa học gồm chủ tịch và các thành viên là những nhà khoa học, các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu nông nghiệp. Hội đồng khoa học có nhiệm vụ tham mưu, tư vấn cho Chủ tịch Hội đồng Viện và Viện trưởng trong việc xây dựng định hướng và chiến lược khoa học và công nghệ của Viện; tư vấn về khoa học và công nghệ khi xét duyệt các đề cương nghiên cứu khoa học; tổ chức nghiệm thu và đánh giá các đề tài, dự án khoa học và công nghệ; nhận xét, góp ý đối với các dự án, đề án lớn theo yêu cầu của Viện.

b) Các thành viên của Hội đồng khoa học làm việc theo chế độ hợp đồng ngắn hạn, dài hạn hoặc theo chủ đề do Viện trưởng ra quyết định sau khi được Hội đồng Viện chấp thuận.

Điều 14. Văn phòng và các phòng ban chuyên môn, nghiệp vụ

a) Tổ chức (phòng, ban) của Viện được hình thành gọn, nhẹ và linh hoạt. Viện trưởng có thể lập (và giải tán) các nhóm (hay ban) một cách linh hoạt theo các từng dự án hoặc hoạt động mà Viện thực hiện. Viện trưởng bổ nhiệm các trưởng nhóm (ban) theo yêu cầu hoạt động.

b) Văn phòng và các ban chuyên môn, nghiệp vụ có chức năng tham mưu, giúp việc Viện trưởng trong việc quản lý, điều hành và thực hiện các nhiệm vụ được giao. Chức năng, nhiệm vụ của văn phòng và các phòng ban của Viện do Viện trưởng quyết định sau khi được sự thống nhất của Hội đồng quản lý.

Điều 15. Thành viên của Viện.

Các thành viên của Viện bao gồm các cán bộ làm việc theo chế độ chính nhiệm, kiêm nhiệm và cộng tác viên khoa học tự nguyện hoạt động tại Viện.

Các cán bộ của Viện được tuyển dụng và làm việc tuân theo Bộ luật Lao động của Nhà nước Việt Nam.

Các thành viên hoạt động theo quy chế nội bộ của Viện và quy định của pháp luật.

Nghĩa vụ và quyền hạn của các thành viên được quy định chi tiết trong Quy chế hoạt động của Viện và trong các điều khoản hợp đồng lao động do các bên tham gia ký kết.

Các thành viên của Viện có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh Điều lệ và Quy chế hoạt động của Viện; cá nhân hoặc bộ phận nào vi phạm, tùy theo mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật, nếu gây thiệt hại tài chính công, sẽ phải bồi thường hoặc xử lý theo quy định của pháp luật.